22:18 EDT Thứ tư, 01/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Khơi dậy sức dân ở Tây Hòa

Chủ nhật - 01/06/2014 20:29
Chỉ trong vòng hai năm 2013 và 2014 huyện Tây Hòa (Phú Yên) triển khai bê-tông hóa được hơn 250 km đường nông thôn. Riêng năm 2013, toàn huyện làm mới, đưa vào sử dụng hơn 116 km, dẫn đầu toàn tỉnh Phú Yên và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Ðiều đáng biểu dương là ngoài nguồn xi-măng do tỉnh cấp, nhân dân đã tự nguyện góp công, góp của, với tổng giá trị hơn 33 tỷ đồng. Tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để làm đường bê-tông nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Người dân thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng (Tây Hòa) chung tay làm đường giao thông liên thôn. Ảnh Trình Kế

Người dân thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng (Tây Hòa) chung tay làm đường giao thông liên thôn. Ảnh Trình Kế

 

Từ xã điểm Hòa Ðồng

Về xã Hòa Ðồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên) trong những ngày đầu hè, nơi đâu cũng bắt gặp những "công trường" rộn rã tiếng cười, nói hòa trong tiếng máy trộn bê-tông. Tất cả đang dồn sức, chạy đua cùng cái nắng miền trung gay gắt để làm đường giao thông liên thôn, liên xã kịp hoàn thành trước mùa mưa. Trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nông dân đang bắt tay vào vụ sản xuất hè thu. Cảnh nông thôn bình yên, trù phú đang hiện hữu, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến kỳ diệu nơi vùng đất anh hùng vốn chịu nhiều gian khó.

Xã Hòa Ðồng có 4.200 hộ dân, gần 16.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,76%. Mặc dù thu nhập còn thấp, nhưng khi tỉnh phát động phong trào làm giao thông nông thôn trên cơ sở được tỉnh hỗ trợ 100% khối lượng xi-măng, bà con đã nhiệt tình hưởng ứng. Riêng năm 2013, người dân trong xã đóng góp hơn 6,3 tỷ đồng, xây dựng được hơn 22,5 km đường bê-tông thuộc 130 tuyến đường liên thôn. Năm 2014, xã tiếp tục đăng ký bê-tông hóa 63 tuyến đường với chiều dài 10,4 km, hiện đã hoàn thành 6 km thuộc 61 tuyến, với kinh phí nhân dân đóng góp gần 1,2 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, xã Hòa Ðồng đã hoàn thành bê-tông hóa hơn 75% số tuyến đường trong xã, dẫn đầu phong trào bê-tông hóa giao thông nông thôn của tỉnh Phú Yên.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ðồng Ðinh Ngọc Sum cho biết, có được kết quả trên, địa phương đã tổ chức thành lập các tổ công tác, tích cực tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng phong trào thi đua "Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới", mà cốt lõi là làm cho họ thấy được lợi ích của phong trào, từ đó tích cực tham gia. Do đặc thù nằm ở vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng, lầy lội vào mùa mưa kéo dài cho nên bà con nhiệt liệt hưởng ứng. Trong đó phải kể đến thôn Phú Mỹ, có nhiều cụm dân cư rải rác ngoài đồng ruộng, việc đóng góp làm đường bê-tông được tính theo nhân khẩu, vì thế nhiều gia đình phải đóng góp cao, từ 2,5 đến 2,6 triệu đồng/khẩu. Tuy vậy, bà con vẫn không nề hà, đơn cử như gia đình ông Võ Hồng Thái và bà Võ Thị Trúc ở đội 2 thôn Phú Mỹ, nhà có năm khẩu; mặc dù gia đình còn khó khăn, nhưng đợt này vẫn tự nguyện đóng góp gần 13 triệu đồng làm đường nông thôn. Bà Võ Thị Thuận, 72 tuổi, chỉ sống một mình, tuy khó khăn nhưng vẫn vui vẻ đóng góp theo quy định. "Có đường giao thông sạch đẹp, con cháu ở xa mấy nó vẫn về, chứ có những năm mưa ngập, Tết đến không ai muốn đi chúc Tết nhau vì đường lầy lội. Hơn nữa, nếu không có chủ trương hỗ trợ xi-măng của tỉnh, chắc bà con cũng không làm nổi những con đường sạch đẹp như thế này" - bà Thuận nói.

Xã Hòa Ðồng, năm 2013, bình quân thu nhập đầu người đạt 17 triệu đồng/năm. "Mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhưng vì lợi ích chung, đẹp đường làng, ngõ xóm, con cháu đi học thuận lợi, vận chuyển nông sản dễ dàng cho nên gia đình tôi rất vui vẻ tham gia đóng góp. Nhờ con đường mới đi qua, gia đình có thêm động lực, mạnh dạn bỏ tiền tu sửa lại ngôi nhà đàng hoàng hơn" - bà Trúc chia sẻ niềm vui. Ðiều đáng nói là đồng hành với nhiều hộ dân kinh tế còn khó khăn, vui vẻ tự nguyện đóng góp khoản tiền lớn để xây dựng đường bê-tông, những hộ kinh tế khá giả hơn cũng đồng cảm chia sẻ, qua việc đóng góp hàng chục triệu đồng như hộ anh Lê Văn Minh, ở thôn Phú Mỹ góp 30 triệu đồng, hộ ông Nguyễn Thành Trí, ở thôn Vinh Ba góp 20 triệu đồng.

Không chỉ hướng đến mục tiêu bê-tông hóa 100% số tuyến đường liên thôn, xóm vào năm 2015, đạt tiêu chí số 2 trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Ðồng còn đang lên phương án bê-tông hóa gần 2 km đường liên xã nối với xã Hòa Phong với chiều rộng mặt đường 4 m, dày 22 cm. Ðể làm được con đường này, ngoài xi-măng của tỉnh cung cấp và kinh phí do huyện, xã hỗ trợ, dự kiến xã Hòa Ðồng sẽ vận động nhân dân đóng góp hơn 500 triệu đồng để thi công. Ngoài việc thực hiện tốt bê-tông hóa đường nông thôn, đến nay xã Hòa Ðồng còn cứng hóa giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương được hơn 10 km. Ðồng thời mở nhiều mô hình phát triển sản xuất như mô hình tập thể hợp tác xã sản xuất lúa giống và mô hình hộ gia đình nuôi bò, gà thương phẩm, gà chọi, chim bồ câu, cá và luân canh cây trồng... phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế của nhân dân; chủ động tranh thủ các nguồn vốn, kêu gọi đóng góp đầu tư nâng cấp trường học, trạm y tế, các công trình công cộng, dân sinh... Nhờ vậy mà hiện nay, xã Hòa Ðồng đã hoàn thành 9 trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gồm quy hoạch và thực hiện quy hoạch, điện, bưu điện, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, môi trường và an ninh trật tự xã hội.

Nhiều tuyến giao thông do dân tự làm tạo nên cảnh quan sạch, đẹp cho nông thôn xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa.

"Hai năm bằng mấy nhiệm kỳ"

Trở lại câu chuyện bê-tông hóa giao thông nông thôn ở huyện Tây Hòa, tại hội nghị Tỉnh ủy Phú Yên mới đây, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Tây Hòa Nguyễn Hữu Thọ so sánh, các nhiệm kỳ đại hội Ðảng bộ huyện trước đây, mỗi năm huyện chỉ đưa ra chỉ tiêu thực hiện bê-tông hóa 33 km giao thông nông thôn, nhưng nhiều nhiệm kỳ chỉ đạt 20 đến 22 km. Riêng trong vòng hai năm qua, toàn huyện thực hiện đạt 250 km đường giao thông bê-tông bảo đảm tiêu chuẩn.

Xuất phát từ quan điểm xác định giao thông nông thôn là huyết mạch, nhu cầu hết sức cần thiết để thúc đẩy địa phương phát triển; là động lực xây dựng làng xóm khang trang, sạch, đẹp, tạo thuận lợi đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cho nên từ những ngày đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tây Hòa xem việc nhận thức về trách nhiệm, tự nguyện đóng góp công sức của người dân trên tinh thần dân chủ bàn bạc, công khai minh bạch, không ỷ lại vào Nhà nước là yếu tố hàng đầu quyết định cho sự thành công. Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Trọng Kỳ cho biết, qua huy động nhiều nguồn lực, nhất là huy động trong dân, đến nay huyện đã xây dựng hoàn thành gần 168 km đường bê-tông nông thôn, kinh phí hơn 33 tỷ đồng, nhân dân phấn khởi, tự nguyện hiến hơn 14.426 m2 đất. Riêng năm 2013 xây dựng được hơn 116 km, vượt 45,25% kế hoạch. Các địa phương huy động sức dân tham gia đóng góp công, tiền của lớn, tiến độ làm đường nhanh là xã Hòa Ðồng, Hòa Mỹ Ðông, Hòa Mỹ Tây và thị trấn Phú Thứ, với tổng giá trị đóng góp của dân lên đến hơn 14,7 tỷ đồng; trong đó, nhiều hộ gia đình, cá nhân đóng góp từ 18 đến 50 triệu đồng.

Ðể triển khai thực hiện chủ trương này, bước đầu huyện Tây Hòa chọn mỗi xã làm điểm từ một đến hai tuyến đường; sau đó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, xã tổng hợp, so sánh và đánh giá về hiệu quả đầu tư so trước đây; qua đó thông báo mức đầu tư cụ thể ở từng địa bàn dân cư để người dân biết nguồn vốn cần thiết khi xây dựng công trình mà chủ động huy động vốn và đăng ký thực hiện. Với tinh thần tự nguyện đóng góp của người dân cho nên hầu hết các tuyến đường sau khi khởi công đều được hoàn thành đúng tiến độ. Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Ðông Ngô Văn Hùng cho biết: "Triển khai bê-tông hóa đường nông thôn, các thôn trong xã đã tổ chức họp dân ở khu dân cư. Qua đó, người dân bàn bạc quyết định mức đóng góp của từng hộ, ấn định thời gian thi công và tổ chức giám sát. Vì thế mà nhân dân tin tưởng vào chất lượng, hiệu quả công trình để tích cực tham gia.

Ðể thực hiện tốt chỉ tiêu nêu trên, cán bộ, nhân dân trong huyện đều xác định đây là trách nhiệm chung, bê-tông hóa đường nông thôn chính là xây dựng xóm, làng khang trang, sạch đẹp, tạo thuận lợi thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Vì vậy, cả hệ thống chính trị trong huyện cùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong xã hội về chủ trương, góp phần hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Có đường mới khang trang, rộng rãi, kéo theo nhiều ngôi nhà mới mọc lên san sát bên những con đường bê-tông sạch, đẹp, rộng từ 2,5 m trở lên, kết nối thông thoáng giữa các thôn. Trong từng cụm dân cư, đường bê-tông nội vùng cũng được đan dày như bàn cờ, chấm dứt tình trạng "nắng bụi, mưa sình" như trước đây.

Bài, ảnh Trình Kế
Nguồn: nhandan.org.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nông thôn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 215

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 214


Hôm nayHôm nay : 28898

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 77915

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60399872