"Có thể nói, Kết luận 62-KL/TƯ đã tạo động lực giúp cán bộ Mặt trận vượt qua mọi thử thách, vượt qua chính mình và từ đó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị”, ông Trần Đình Thắng - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết
Ông Trần Đình Thắng
Can Lộc là huyện đầu tiên ở Hà Tĩnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TƯ của Bộ Chính trị "Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ông có thể cho biết thời gian qua huyện nhà đã tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 62 như thế nào?
- Những năm qua, chúng tôi đã đề ra kế hoạch cụ thể để thực hiện thật tốt những nội dung mà Kết luận 62 đã đưa ra, như đã mở được 23 lớp quán triệt cho các vị ủy viên MTTQ, trưởng các ban, ngành, đoàn thể xã, thị trấn, ban công tác Mặt trận ở khu dân cư với 2.760 người tham gia. Mặt trận đã cụ thể hóa 6 nội dung của Kết luận bằng chương trình hành động sát với thực tiễn địa phương. Mặt trận ở 23 xã, thị trấn đều có kế hoạch tổ chức thực hiện và chỉ đạo xây dựng điểm ở mỗi đơn vị từ 1-2 khu dân cư (KDC) để rút kinh nghiệm nhân rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công tác vận động quần chúng trong tình hình mới. Chính vì vậy, Can Lộc đã có những bước tiến mới trong công tác Mặt trận thời gian qua.
Bước tiến cụ thể từ Kết quả này là như thế nào, thưa ông?
- Sau khi được học tập, quán triệt Kết luận 62, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã phân định rõ vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị, từ đó có sự đồng thuận về hành động, tạo được khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt phương châm "Nghe dân nói, nói dân tin, làm dân hiểu”.
Cán bộ Mặt trận và các tổ chức thường xuyên đổi mới cách nghĩ, cách làm một cách linh hoạt để phục vụ công tác thật tốt. Từ đó tạo nền tảng, động lực để chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng đi lên, góp phần chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Cụ thể như CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Cuối năm 2011, số gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa chiếm 75%, 199/276 KDC văn hóa, đạt 72,1%. Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới cũng đạt được những thành tích nổi bật. Đến nay, xã Thiên Lộc đã đạt 17/19 tiêu chí, các xã Đồng Lộc, Khánh Lộc, Thanh Lộc, Quang Lộc, Trung Lộc đạt 13/19 tiêu chí…Các phong trào thi đua, vận động khác cũng đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, các hình thức tập hợp quần chúng vào tổ chức ngày càng đa dạng, phong phú, mọi hoạt động đều hướng mạnh về cơ sở, từng KDC. Đặc biệt, các CVĐ "Ngày vì người nghèo”, "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… của huyện ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay, số thành viên trong MTTQ huyện Can Lộc là 25, tỷ lệ tập hợp hội viên, đoàn viên vào tổ chức ngày càng cao.
Một điều đáng chú ý là Can Lộc đã thực hiện theo tinh thần của Kết luận 62 về kiện toàn bộ máy cán bộ Mặt trận từ huyện đến cơ sở kịp thời, đáp ứng được nhu cầu cấp bách hiện nay. Ở huyện, ủy viên MTTQ gồm 60 người và ngày càng được trẻ hóa, trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị cao hơn so với nhiệm kỳ trước 40%. Ở cơ sở, có 745 người, tất cả đều có kinh nghiệm thực tiễn, uy tín được nâng cao, trưởng ban công tác Mặt trận ở KDC có tuổi đời bình quân 48 tuổi, trẻ hơn năm 2011 đến 7 tuổi. Chính lực lượng cán bộ này đã góp phần làm cho công tác Mặt trận và các đoàn thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng hiện nay và ngày càng khẳng định uy tín của Mặt trận trong đời sống chính trị-xã hội huyện nhà.
Vậy theo ông, Kết luận 62 đã có những giá trị thiết thực như thế nào cho công tác Mặt trận, cho cán bộ Mặt trận?
- Có thể nói, Kết luận 62-KL/TƯ đã tạo động lực giúp cán bộ Mặt trận vượt qua mọi thử thách, vượt qua chính mình và từ đó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị. Vì nhờ có Kết luận 62 mà việc tìm nguồn cán bộ Mặt trận cơ sở được dễ dàng hơn, tránh tình trạng như trước đây là bầu mà không ai chịu làm, giờ thì nhân dân đã tự ứng cử để cống hiến tâm huyết và sức lực cho Mặt trận. Từ đó, các phong trào thi đua được nâng cao hơn, đáp ứng được nhu cầu hiện nay, nhất là trong CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và nỗ lực của toàn dân về xây dựng nông thôn mới. Chất lượng cán bộ được nâng lên đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.
Từ hiệu quả hoạt động của huyện nhà, ông có những kiến nghị gì để góp phần kiện toàn hơn Kết luận 62?
- Qua quá trình thực hiện chúng tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn có giá trị và đề xuất kiến nghị là cần tăng thêm định biên cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo ở huyện và những xã có đồng bào tôn giáo chiếm trên 30% dân số. Đề nghị Nhà nước trích ngân sách đóng bảo hiểm xã hội cho cấp phó Mặt trận và đoàn thể ở xã, thị trấn có chế độ phụ cấp cho ủy viên UBMTTQ các cấp, tăng kinh phí cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động.
Xin cảm ơn ông!
Hạnh Nguyên
Nguồn: daidoanket.vn