Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 55/2014/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2014 hướng dẫn triển khai một số hoạt động bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020
Theo đó, các hoạt động bảo vệ môi trường gồm: xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nước thải; xây dựng các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái, phát triển cây xanh.
Về xử lý nước thải, Thông tư nêu rõ, việc xử lý nước thải phải phù hợp với điều kiện các vùng nông thôn, công nghệ đơn giản, chi phí đầu tư, chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp, quản lý vận hành đơn giản, dễ thực hiện.
Nước thải chăn nuôi hộ gia đình phải thu gom, xử lý bằng các hình thức hầm biogas, hố ga lắng cặn, ao sinh học… trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung của thôn, xã hoặc thải ra môi trường. Nước thải sinh hoạt phải thu gom, xử lý bằng các hình thức bể tự hoại, hố ga lắng cặn.
Đối với chất thải rắn, phải xử lý theo hình thức chôn lấp. Các bãi chôn lấp chất thải rắn ở xã nông thôn mới không có hệ thống thu gom rác thải chung của huyện, thành phố phải đáp ứng các yêu cầu như: đảm bảo quy mô sức chứa ít nhất 10 năm, có hàng rào cách ly với khu dân cư xung quanh; không có hiện tượng nước chảy tràn ra khỏi khu xử lý…
Rác thải, nước thải được xả thẳng xuống các kênh mương
Đối với quản lý, cải tạo nghĩa trang, UBND xã có trách nhiệm vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chôn cất tập trung trong khu nghĩa trang theo quy hoạch; khuyến khích, tuyên truyền, vận động người dân hỏa táng hợp vệ sinh ở những địa phương có điều kiện. Nghĩa trang phải có hệ thống cấp thoát nước đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường. Rác thải ở nghĩa trang được thu gom và chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, trồng cây xanh, hàng rào, bãi đỗ xe, đèn chiếu sáng ở khu nghĩa trang được bố trí thuận tiện với điều kiện của từng khu vực và địa phương.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là cải tạo, xây dựng ao hồ sinh thái, phát triển cây xanh. Theo đó, hệ thống ao hồ sinh thái trong khu dân cư phải đảm bảo tạo mặt bằng thoáng, điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan đẹp, có khả năng phát triển chăn nuôi, thủy sản, tạo nguồn lợi kinh tế.
Hệ thống cây xanh trong các xã nông thôn mới phải đảm bảo diện tích bằng hoặc lớn hơn 2m2/người. Không gian xanh trong nông thôn mới được gắn kết với nhau bằng dải cây xanh liên tục trên các đường liên xã, liên thôn và nội đồng. Ưu tiên trồng cây xanh ở các địa điểm công cộng như trụ sở xã, nhà trẻ, trường học, trạm y tế xã…
Cảnh rác thải trên đường xã Gia Xuyên, Gia Lộc, Hải Dương
Trong quá trình thực hiện, các địa phương đều phản ánh những khó khăn trong thực hiện Tiêu chí 17.
Xét riêng từng chỉ tiêu, hầu hết mới có chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp &PTNT, chỉ tiêu tỷ lệ xã có đội vệ sinh tự quản, duy trì thường xuyên hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải nhưng rác mới chỉ được tập kết tại bãi rác của địa phương chứ đa số là chưa được xử lý;
Kết quả đánh giá khi khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy mức đạt chỉ tiêu các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là còn được châm trước; Nhiều xã triển khai xây dựng nghĩa trang nhưng việc hoàn thành theo quy hoạch NTM còn khó khăn, vì chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế chính sách đối với xây dựng nghĩa trang, hầu hết đang dừng ở quy hoạch quỹ đất hoặc giữ nguyên hiện trạng nghĩa trang cũ của địa phương. Việc sử dụng đất nghĩa trang vẫn phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu quan tâm đến chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm đến diện tích cây xanh, các công trình phụ trợ, mỹ quan.
Ở nhiều địa phương, một bộ phận người dân thiếu ý thức đã "tiếp tay" cho ô nhiễm môi trường khi vứt rác bừa bãi, chất kín nhiều dòng sông, ao hồ, mương máng. Mỗi khi có nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ các nguồn nước ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến chính cuộc sống của người dân nơi đây. Sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng đang khiến rác thải dồn ứ ở nhiều nơi.
Việc sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật, vỏ bao không được thu gom xử lý đang gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều nơi.
Nguyên nhân một phần là do các cấp cơ sở còn thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường trong xây dựng NTM chưa cao.
Một số địa phương đã xây dựng phong trào bảo vệ môi trường song chưa thường xuyên, liên tục. Các đoàn thể chính trị xã hội tuy có phát động nhưng chưa gìn giữ để phong trào đi vào nền nếp.
Hệ thống thoát nước thải tại khu vực nông thôn chưa được chú trọng đầu tư. Hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông... vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nhiều khả năng lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, việc quy hoạch và xây dựng chợ nhiều nơi không gắn với việc xử lí rác thải. Sau mỗi phiên chợ, rác do người dân vứt bừa bãi ven đường hoặc tràn xuống các dòng sông. Thiếu kinh phí cũng khiến cho một số xã đã thành lập được tổ, đội thu gom rác thải nhưng hoạt động không thường xuyên, vẫn còn nhiều xã chưa có bãi rác nên tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư diễn ra khá phổ biến. Thêm vào đó, nguồn ngân sách hỗ trợ cho các địa phương còn thấp, chưa tương xứng với nội dung tiêu chí. Mặt khác, chế độ thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác cho xây dựng NTM nói chung, tiêu chí 17 nói riêng còn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường.
Để bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và cải thiện chất lượng môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững ở khu vực nông thôn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các Sở ban ngành liên quan, tham mưu cho Ban chỉ đạo Tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện tiêu chí 17 một cách cụ thể, cần có các phương án huy động nhiều nguồn lực trong xã hội chung tay tham gia bảo vệ môi trường. Chỉ có sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội, mới hy vọng có thể đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, thực sự nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn./.
Nguồn: nongthonmoi.gov.vn