Đến nay ĐBSCL có 62,3% số xã đạt tiêu chí về giáo dục
Bức tranh tổng thể đó được chiêm ngưỡng từ con sông - đường quê - sân phơi - căn nhà - vườn cây - đồng lúa và mức thu nhập của người dân.
Nâng cao thu nhập từ SX
Sau 3 năm xây dựng NTM ở 13 tỉnh thành trong vùng ĐBSCL, xét về các tiêu chí đạt được cao hơn so với bình quân chung cả nước đó là niềm phấn khởi. Điểm nổi bật nhất là người dân đã tạo ra được nguồn lực để có thêm thu nhập từ các mô hình SX trong Chương trình xây dựng NTM ở ĐBSCL.
Ông Lê Huy Ngọ, cố vấn Chương trình MTQG xây dựng NTM, nhận xét: Người dân ĐBSCL biết lấy NTM tạo ra nguồn lực để có thêm thu nhập. Trong quá trình xây dựng NTM đã tổ chức lại được SX mang tính chuyên nghiệp hơn. Nhiều mô hình liên kết SX có hiệu quả và là hình mẫu cho cả nước như cánh đồng lớn.
Nhìn ở góc độ này, ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang, dẫn chứng: “Nằm trong Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều mô hình SX để tăng thu nhập cho nông dân, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ 22% năm 2009 lên 32% năm 2013. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho 30 ngàn người, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trong năm 2013 đạt con số 28,8 triệu đồng/người.
Bà Vương Thị Thu Hương, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn trong tỉnh đạt 21,6 triệu đồng/người/năm (tăng 16,7% so với năm 2010). Các mô hình phát triển SX lúa chất lượng cao, bưởi năm roi, cam sành... đã góp phần quan trọng giúp tăng thu nhập cho nông dân.
Là tỉnh ở cực Nam Tổ quốc - Cà Mau hàng năm ngân sách Trung ương phải trợ cấp cân đối trên 30%, hơn nữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng đất bồi này rất tốn kém nên tỉnh đã ưu tiên phát triển SX để nâng cao thu nhập.
Theo BCĐ Chương trình xây dựng NTM tỉnh Cà Mau, qua 3 năm triển khai phát triển SX đã thực hiện được 700 điểm trình diễn như: nuôi tôm sú theo hướng VietGAP, nuôi tôm quảng canh cải tiến, lúa + tôm, nuôi cá trình, cá bống tượng... Toàn tỉnh có 3.227 tổ hợp tác ở các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, hầu hết làm ăn có hiệu quả. Có thể nói, đây là một trong những điểm son tạo ra nguồn lực trong nhân dân để xây dựng NTM ở tỉnh Cà Mau.
Sau khi đi thị sát xây dựng NTM tại huyện Phước Long (Bạc Liêu) và một số xã ở tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, ông Lê Huy Ngọ được chứng kiến nhiều cách làm NTM sáng tạo của người dân Nam Bộ và có nhận xét rằng: “Có thể thấy các tỉnh phía Bắc chú tâm vào quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng. Riêng vùng ĐBSCL thì quan tâm nhiều hơn đến SX để tăng thu nhập và tạo ra ngành nghề mới trong nông thôn. Việc khơi dậy nguồn lực trong dân là một điểm sáng của vùng ĐBSCL. Xây dựng NTM cần tập trung chăm lo, cải thiện đời sống cho người dân. Khi cuộc sống bà con khá hơn thì vận động cho các tiêu chí dễ dàng”.
Ông Ngọ dẫn chứng một việc tuy nhỏ nhưng rất thực tế trong xây dựng NTM ở huyện Phước Long. Cụ thể, người dân ở đây khi đầu tư làm đường thì phải làm kè chống sạt lở. Trong quá trình làm bà con đã tận dụng khoảng trống giữa kè và đường đổ đất vào tạo ra mặt bằng để trồng rau. “Đó là làm theo quy hoạch, tạo ra thu hoạch và thu nhập”, ông Ngọ nói.
Bài học từ thực tiễn
Có thể nói trong 3 năm xây dựng NTM, các tỉnh ĐBSCL đã rút ra được nhiều bài học sâu sắc khi thực hiện các tiêu chí. So với năm 2011, các tỉnh, thành trong vùng đã có mức tăng tiêu chí khá so với cả nước và xóa được “xã trắng” không đạt tiêu chí nào. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất cao của các cấp ủy, chính quyền và người dân ở ĐBSCL trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Từ kinh nghiệm và thực tiễn của mình, ông Lê Huy Ngọ cho rằng: “Tiêu chí nào người dân cần nhất, bức xúc nhất thì ưu tiên làm trước. Phải để cho người dân tự chọn lựa tiêu chí. Sau đó xã, ấp và nhân dân cùng bàn thảo và bắt tay làm, đồng thời BCĐ chịu trách nhiệm về các tiêu chí đó”.
Một điểm son nữa ở ĐBSCL là khi người dân làm ra được con đường, bờ kè đều ý thức rằng đó là công trình của chính mình. Do công sức mình bỏ ra nên họ có quyền thụ hưởng và chung tay gìn giữ. “Đó chính là hướng đi đúng tạo nên sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM ở ĐBSCL tiến tới thành công”.
Từ thực tế ở địa phương, ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện ủy Phước Long (Bạc Liêu), kể rằng: “Công trình nào địa phương thuê thầu thi công người dân tỏ ra rất thờ ơ, nhưng công trình nào có sự đóng góp, bàn bạc của người dân thì họ nhảy vào làm sôi nổi”.
Theo BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay, khu vực ĐBSCL có 95% hộ gia đình, 97% số xã, ấp đạt tiêu chí văn hóa. Các di tích lịch sử, văn hóa từng bước được trùng tu; các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống được phát triển góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn. |
Ông Duyên tính toán: “Một công trình xây dựng đường nông thôn nếu thuê thầu thi công sẽ mất 26 tỷ đồng, nhưng khi người dân cùng cán bộ địa phương tham gia làm chỉ hết 13 tỷ đồng mà chất lượng còn cao hơn”. Có lẽ vì vậy mà người dân tỏ ra thờ ơ với các nhà thầu.
Nhìn vào Hậu Giang, tỉnh có 54 xã mới được chia tách từ TP Cần Thơ trong 10 năm qua, nhưng đến nay có 3 xã cán đích NTM, các xã còn lại đang đi vào nề nếp thực hiện các tiêu chí và có nhiều tiến triển tốt đẹp.
Ông Huỳnh Thanh Hữu, Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Bài học rút ra trong 3 năm qua và xuyên suốt trong xây dựng NTM ở Hậu Giang đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực tế cho thấy ở Hậu Giang xã nào đoàn kết nội bộ tốt, người đứng đầu quyết liệt vào cuộc bằng “cái tâm, cái tầm” của mình, nơi đó xây dựng NTM tốt nhất.
Theo con số thống kê và nhận xét của BCĐ Chương trình MTQG cho thấy: “Xây dựng NTM ở ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong 3 năm qua. Đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện hơn, thu nhập bình quân tăng 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%”.
Nhìn từ vấn đề này ông Lê Huy Ngọ cho rằng: “Các xã đều phải làm NTM, không có xã nào nằm “ngoài vùng phủ sóng”. Các xã đã cán đích là bài học sống động cho các xã chưa đạt được học hỏi rút kinh nghiệm thực hiện. Tuy nhiên, các xã đã đạt đủ 19 tiêu chí không vì thế chủ quan lơ là mà phải tiếp tục phát huy thế mạnh, để làm tăng thêm sự hài lòng và niềm phấn khởi của người dân”.
Diện mạo mới vùng sông nước
Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 1.296 xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Việc xây dựng NTM cùng với công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn hiệu quả, bộ mặt nông thôn trong vùng đang từng bước được đổi mới, mức sống người dân được nâng cao.
Ông Lê Huy Ngọ nhận xét: “Bây giờ nhìn vào các xóm, ấp ở ĐBSCL đang làm NTM thấy hiện lên diện mạo một bức tranh nông thôn Nam Bộ rất hài hòa và đẹp mắt. Bức tranh ấy bắt đầu từ con sông, đến con đường, tới sân phơi lúa, vào căn nhà, ra vườn cây và ruộng lúa”.
Nhìn ở góc độ văn hóa tinh thần, ông Ngọ nhận xét: Có một điểm khá khác biệt là miền Bắc chú trọng đến xây nhà văn hóa, còn ở ĐBSCL chủ yếu phát triển mối quan hệ văn hóa từ nơi cộng đồng dân cư. Nổi bật nhất ở đây là đờn ca tài tử mang tính cộng đồng sâu sắc, bình đẳng giữa mọi người.
“Trong quá trình xây dựng NTM ở ĐBSCL cần lưu ý đến tính cách của người dân Nam bộ, đó là phóng khoáng, không thích gò bó. Cuộc sống bà con ở đây rất gần gũi với thiên nhiên, sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng. Đây là nhân tố quan trọng để gắn kết tình làng, nghĩa xóm với nhau”, ông Ngọ chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn