Nâng cao thu nhập lao động nông thôn: Tưởng dễ nhưng hóa khó
Cái khó bó năng suất Cuộc tổng điều tra về nông nghiệp nông thôn do Tổng cục Thống kê công bố mới đây có một số liệu đáng chú ý. Vốn tích lũy bình quân một hộ nông thôn vùng Đông Nam Bộ đạt 23,6 triệu đồng/hộ gấp 2,7 lần so với vùng Trung du miền núi phía Bắc (8,7 triệu đồng). Mức tích lũy của hộ thương nghiệp gấp 5,8 lần hộ diêm nghiệp, gấp 4,5 lần thu nhập của hộ lâm nghiệp, gấp 2,7 lần hộ ngư nghiệp. Tích lũy thấp cũng phần nào phản ánh thu nhập và đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam hiện có lượng dân số sinh sống ở khu vực nông nghiệp rất lớn. Nguyên nhân chính do đâu? Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, do công tác ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch chưa được đẩy lên đúng tầm. Điều này cũng khá tương đồng với bản báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, khi trọn năm 2011 tổng kinh phí đầu tư phát triển KH-CN trong cả nước là 2.715 tỉ đồng, trong đó ĐBSCL chỉ được cấp 234 tỉ đồng (chiếm chưa tới 9%); vốn sự nghiệp KH-CN cả nước năm 2011 là 1.560 tỉ đồng, trong đó ĐBSCL được cấp trên 232 tỉ đồng (chiếm 15%). Nguồn kinh phí hạn hẹp khiến cho nhiều địa phương khó phát triển sự nghiệp KH-CN để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương, cách tốt nhất để làm sao tạm hài hòa hóa thu nhập của người nông dân là hỗ trợ trực tiếp, tức là hỗ trợ gắn với người sản xuất không qua các doanh nghiệp hoạt động phân phối hoặc xuất nhập khẩu. Điểm tựa vẫn mong manh Ông Thành phân tích, sản xuất nông nghiệp có đặc điểm mang tính thời vụ, chu kỳ theo thời gian rất cao cho nên cái khó hiện nay là làm sao hài hòa hóa, làm cho thu nhập của nông dân ổn định, bằng phẳng, ít bị tác động bởi biến động giá cả. Người nông dân rất yếu về khả năng đàm phán, mặc cả giá, trong khi thị trường chúng ta tham gia là thị trường thế giới mà biến động giá cả lại do các nhà phân phối, xuất nhập khẩu chi phối. Việt Nam đã xây dựng nhiều biện pháp để hỗ trợ cho nông dân về chi phí đầu vào hoặc đầu ra. Thế nhưng, lợi ích từ chính sách hỗ trợ này thường là rơi vào doanh nghiệp. Thật vậy, khi nhìn vào mô hình cánh đồng mẫu lớn – một chủ trương lớn đối với người nông dân trồng lúa đã thấy rõ việc ứng dụng khoa học gặp muôn vàn khó khăn. Mô hình đang bị ách và khó nhân rộng tại miền Bắc do cơ sở hạ tầng (hệ thống thuỷ lợi, giao thông, trạm bơm,…) chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Bản thân doanh nghiệp và nông dân cùng một trụ đỡ nhưng doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến bao tiêu sản phẩm, cảnh ép giá mỗi khi thị trường biến động vẫn diễn ra phổ biến. Tại cuộc Hội thảo về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp diễn ra ngày 9-11 vừa qua, GS.TS Ngô Thế Chí – Học viện Tài chính kiến nghị, cần nâng đầu tư công cho tam nông. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển nhanh kinh tế nông thôn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên bố trí NSNN thông qua các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy các vùng nghèo, vùng khó khăn phát triển; đồng thời tạo cơ chế cho các vùng có điều kiện thu hút nguồn lực tài chính để tự phát triển. Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho hộ nông dân và địa phương theo diện tích trồng lúa để bảo đảm giữ diện tích trồng lúa khoảng 3,8 triệu ha. Thực hiện tăng chi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, điều tiết phân bổ NSNN đảm bảo lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp, cũng như các địa phương thuần nông, tăng cường phân cấp thu chi cho địa phương kể cả cho cấp huyện và xã. Hồ Hương |
Theo Báo Đại đoàn kết |
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn