Vào nghề từ cách đây hơn chục năm, đến nay, anh Nguyễn Văn Chí (SN 1973) ở thôn Cơ Giáo, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội đã là chủ của 5 vườn cây với tổng số 1.600 cây các loại, trị giá 150 tỷ đồng. Trong đó, cây có giá trị cao nhất lên đến 8 tỷ đồng, cây thấp nhất cũng 20 triệu đồng. Mỗi năm, trang trại cây cảnh của anh cho thu nhập trên dưới 5 tỷ đồng, ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm cho 20 – 25 lao động với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, tại thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân, anh Phạm Văn Quỳnh (SN 1976, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên) cũng là ông chủ của 3 vườn cây cảnh (vườn rộng nhất lên tới hơn 2ha). Hiện, vườn cây cảnh của anh Quỳnh có khoảng 1.000 cây các loại với tổng trị giá cả trăm tỷ đồng, mỗi năm cho thu nhập từ 3-5 tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 30 lao động với mức lương từ 3 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trò chuyện với chủ trang trại cây cảnh Phạm Văn Quỳnh. Ảnh: Hoàng Quyết Ông Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, hiện toàn xã có 4/6 thôn phát triển nghề cây cảnh với 400/1.200 hộ tham gia, cho thu nhập tăng gấp 10 đến 20 lần so với trồng lúa. Trong đó, có khoảng 25 hộ phát triển mô hình trang trại lớn, giá trị kinh tế cao và khoảng 100 hộ sản xuất kinh doanh cây cảnh cung cấp cho thị trường, cho thu nhập ít nhất 50 triệu đồng/hộ/năm. Hiện khó khăn lớn nhất của các hộ sản xuất kinh doanh ở xã Hồng Vân là vốn và quy hoạch vùng sản xuất. Xã đặt mục tiêu trong năm 2012 sẽ cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa và quy hoạch 124ha trồng hoa cây cảnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái khẳng định, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố có chủ trương hỗ trợ phát triển các vùng hoa, cây cảnh chất lượng cao. Để nhân rộng mô hình hoa, cây cảnh ở xã Hồng Vân, tới đây, Thành ủy, UBND TP sẽ có các chính sách để hỗ trợ cho các hộ nông dân về cơ sở hạ tầng, hình thành các vùng sản xuất tập trung... Hồng Vân cần phát triển cây cảnh đa dạng về chủng loại, giá trị, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đi đôi với dồn điền đổi thửa, xã cần quy hoạch lại vùng sản xuất hoa, cây cảnh theo hướng đồng bộ từ hạ tầng giao thông, điện, nước... Các đơn vị có liên quan cần giúp xã và huyện xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cây cảnh để mở rộng thị trường tiêu thụ. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội nông dân Hà Nội đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến nhận thức, hành động của từng hộ hội viên nông dân. Những nông dân điển hình tiên tiến sẽ là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới.
Nam Bắc
ktdt.com.vn