Trong hai năm, người dân xã Quảng Thành đã hiến gần 100 nghìn m2 đất để làm đường giao thông. |
Phó trưởng ấp Tân Bang Nguyễn Văn Khanh cho biết: "Có được kết quả ấy, rất nhiều lần chính quyền và nhân dân phải ngồi lại với nhau, phân tích thiệt - hơn, để cùng đồng thuận. Ai cũng thấy cái lợi của việc làm đường, nhưng tấc đất, tấc vàng, không phải người dân nào cũng sẵn sàng bỏ cả trăm, cả nghìn m2 đất của mình cho những công việc chung của xã". Ðể làm được điều đó, anh Khanh chia sẻ: "Chúng tôi phải chọn những người có uy tín đến từng hộ dân, khích lệ, động viên họ cùng chung tay thực hiện". Tổ trưởng tổ 56, ấp Tân Bang Cao Văn Nam kể về chuyện mở rộng tuyến đường đi qua tổ 56: "Tuyến đường này trước đây là đường đất, chỉ rộng chừng 4 m, mưa xuống là lầy lội, người dân không thể đi lại. Nông sản sau khi thu hoạch phải rất vất vả mới đưa ra được trung tâm xã. Khi nghe xã có chủ trương nâng cấp và mở rộng tuyến đường, người dân phấn khởi, nhưng nếu không vận động và thuyết phục họ hiến đất dự án có thể chậm tiến độ".
Chỉ trong thời gian ngắn, từ năm 2011 đến nay, Quảng Thành đã vận động hàng trăm hộ dân trong xã hiến gần 100 nghìn m2 đất để làm đường giao thông. Anh San Ngọc Hải, tổ 58, ấp Tân Bang, tâm sự: "Kể từ ngày tuyến đường đi qua tổ 58 được nâng cấp, xe ô-tô của thương lái có thể vào tận nơi để thu mua nông sản. Giá cả bảo đảm, thu nhập và đời sống của người dân vì thế cũng được cải thiện".
Việc tăng thu nhập bình quân, giảm cơ cấu lao động nông thôn được xem là hai tiêu chí "nan giải" đối với hầu hết các xã thuần nông, trong đó có Quảng Thành. Chủ tịch Võ Khắc Thuyết cho biết: "Ngoài đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp - dịch vụ, xã tập trung khuyến khích nông dân cùng liên kết đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất. Ðây chính là "nút thắt" để Quảng Thành giải bài toán "cơ cấu lao động" và "thu nhập bình quân".
Ðến thăm gia đình ông Nguyễn Hiệp, một trong những hộ trồng cà-phê và trồng xen cây ăn quả hiệu quả cao ở Quảng Thành, nghe ông tâm sự, mới thấy hết ý nghĩa của việc liên kết và đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa có ý nghĩa quyết định đến thu nhập của lao động nông thôn ở Quảng Thành. Ông Hiệp cho biết: "Trước đây gia đình chỉ chuyên trồng cà-phê, thu nhập nhìn chung đủ sống. Nhưng kể từ khi được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn, một số hộ đã cùng nhau xây dựng mô hình trồng xen cây ăn quả và rau màu trên cùng diện tích, mang lại hiệu quả thiết thực". Theo đó, ngoài cà-phê, mỗi năm gia đình ông thu nhập thêm hơn 20 triệu đồng/ha từ tiền bán hoa màu và cây ăn quả, trong khi năng suất và chất lượng vườn cà-phê vẫn bảo đảm. Mô hình này cũng được hộ gia đình ông Nguyễn Nghĩ học tập. Ông Nghĩ cho biết: "Việc liên kết giữa các hộ gia đình trong sản xuất đang trở thành phong trào ở Quảng Thành. Lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản xuất theo hướng hàng hóa, là con đường thoát nghèo, đòi hỏi người nông dân phải hiểu biết kỹ thuật, liên kết và chia sẻ với nhau những cách làm hay, sáng tạo". Chỉ với hơn 1,2 mẫu đất trồng các loại cây ăn trái đặc sản như: mận An Phước, mít Mã Lai..., kết hợp phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, gia đình chị Phạm Thị Bình, ở Quảng Thành, thu mỗi năm cả trăm triệu đồng. Chị Bình cho biết: "Trước đây gia đình cũng thuộc diện khó khăn. Nhờ sản xuất hàng hóa, chú trọng những cây trồng có giá trị kinh tế cao, cùng liên kết với các hộ gia đình trong xã, nên thu nhập được cải thiện đáng kể". Với sự liên kết này, trong tương lai không xa, Quảng Thành sẽ là vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị.
Theo Chủ tịch UBND xã Võ Khắc Thuyết, thời gian tới, với những kết quả đã đạt được, xã sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp điều kiện địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn vốn xây dựng cơ bản, kết hợp sự đóng góp của nhân dân để sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, với mục tiêu trở thành xã nông thôn mới điển hình của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn