11:32 EST Thứ ba, 24/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Thứ năm - 30/05/2013 23:00
Là một trong những tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, nhưng với cách làm quyết liệt, sáng tạo, cho nên sau năm năm triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và hơn hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Tĩnh đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác này.

Thăm xã điểm Tùng Ảnh

 Chúng tôi về thăm xã Tùng Ảnh (huyện Ðức Thọ), quê hương Tổng bí thư đầu tiên của Ðảng và cũng là địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Ðến Châu Trinh-thôn điểm xây dựng mô hình nhà - vườn mẫu, Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Văn Phương cho biết: Xây dựng NTM ở đây chủ yếu do người dân và con em xa quê đóng góp, Nhà nước chỉ hỗ trợ khoảng 30%. Chẳng hạn từ đầu năm đến nay, thôn triển khai sửa chữa nhà văn hóa, nâng cấp 300 m đường liên gia, làm hai cống thoát nước và hoàn chỉnh điện chiếu sáng trong thôn... với tổng số tiền 150 triệu đồng. Trong đó, bà con đóng góp hơn 90 triệu đồng, vận động con em quê hương đóng góp 37 triệu đồng. Thôn Châu Trinh đang vận động bà con xây dựng NTM theo chiều sâu bằng mô hình: nhà - vườn mẫu: xanh, sạch, đẹp. Từ vườn xanh, rào xanh, sạch từ ngõ vào đến bếp... đến nhà cửa ngăn nắp. Theo đồng chí Phương, để được vườn xanh, các gia đình phải tính toán trồng cây gì cho thu nhập cao, dễ bán và ở đây đã chọn sắn dây làm cây trồng chủ lực trong vườn. Chỉ với diện tích từ 500 đến 700 m2 vườn nhưng gia đình các ông Phan Xuân Lâm, Nguyễn Ðình Kỳ, Nguyễn Ngọc Minh... đã thu nhập vài chục triệu đồng tiền sắn mỗi năm. Bà con còn khéo tạo dựng "tường" sắn dây, mướp chung quanh khuôn viên, dọc theo trục giao thông, nhằm giảm áp lực bê-tông hóa... Nhờ có thu nhập từ vườn xanh, cho nên các khoản đóng góp xây dựng NTM cũng trở nên dễ dàng hơn. Không chỉ phát triển kinh tế, Châu Trinh đang tập trung chăm lo đời sống tinh thần cho bà con, mới đây ngày 8-5, thôn đã ra mắt CLB văn hóa - thể thao người cao tuổi và từ đó đến nay hoạt động khá sôi nổi...

 Thăm nhà bác Phan Xuân Lương nằm trong khuôn viên xanh có những cây cảnh cắt tỉa công phu, nhà cửa, cổng ngõ sạch tinh khiến ai cũng thích thú. Bác Lương tâm sự: Qua tuyên truyền, chúng tôi hiểu xây dựng NTM là do chính người dân thực hiện không chỉ là lo xây dựng những con đường, trụ sở... mà phải làm từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất trong từng gia đình, như việc sửa chữa lại ngôi nhà, chuồng trại; dời dọn cổng ngõ, tường rào, cây cối để làm đường giao thông, mương thoát nước, vệ sinh môi trường, đến lời ăn, tiếng nói sao cho văn minh... Cũng theo bác Lương, giờ đây nhiều người dân thôn Châu Trinh đang tính toán giữ được hồn quê bằng những ngôi nhà xây xinh xắn nằm trong khuôn viên xanh, như thôn Châu Nội bên cạnh đang phát động. "Hiện Châu Nội đã có nhiều nhà có cổng nhà làm bằng cây duối, hàng rào mận hảo, dâm bụt... cắt tỉa công phu hàng chục năm. Mà Châu Nội làm được, Châu Trinh cũng làm được và đây sẽ là điểm nhấn NTM ở xã Tùng Ảnh", bác Lương quả quyết.

 Làm việc với lãnh đạo xã Tùng Ảnh chúng tôi được biết: Ðiểm thuận lợi nhất ở đây là Tùng Ảnh đã có 10 năm kinh nghiệm trong triển khai xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm do tỉnhHà Tĩnh phát động. Ðến nay, Tùng Ảnh đã có 20 doanh nghiệp, HTX và gần 600 hộ kinh doanh giải quyết việc làm cho hơn một nghìn lao động (chiếm gần 40% số lao động trong xã). Xã đã thực hiện việc dồn điền đổi thửa cho các hộ có điều kiện sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với lúa giống RVT chất lượng cao. Bên cạnh đó, xã hỗ trợ kết hợp Ngân hàng chính sách cho vay giúp 60 hộ chăn nuôi lợn làm chuồng và bể bi-ô-ga khép kín. Ngoài ra, Tùng Ảnh còn nhân rộng gia trại chăn nuôi gà có quy mô 10 nghìn con tại thôn Châu Tượng, mô hình trồng hoa trên khuôn viên 0,3 ha tại thôn Châu Nội... Thu nhập bình quân đầu người của Tùng Ảnh đạt hơn 27 triệu đồng (bình quân của tỉnh gần 20 triệu đồng), hộ nghèo còn 2,8%... Tùng Ảnh đã huy động được tổng nguồn vốn 197 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó người dân và con em xa quê đóng góp hơn 110 tỷ đồng... Khi được hỏi, sắp tới, Tùng Ảnh được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí NTM, nghĩa là hoàn thành NTM? Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh Phan Tiến Dũng cho biết: "Ðấy mới là chạm ngưỡng NTM, chúng tôi còn phải nỗ lực xây dựng NTM theo chiều sâu để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất lẫn tinh thần cho bà con. Tùng Ảnh đang triển khai mô hình nhà - vườn mẫu ở thôn Châu Trinh, sau đó sẽ nhân rộng ra các thôn khác; đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và hoàn thiện các chỉ tiêu văn hóa, xã hội, môi trường...".

 "Ngày thứ bảy NTM"

Bê-tông hóa kênh mương ở xã Đức Yên (Đức Thọ).

 Ðể xây dựng NTM, ngoài việc biên soạn Sổ tay các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp các địa phương tổ chức các đêm sân khấu, "hỏi đáp" các vấn đề liên quan đến NTM... Các đoàn công tác của tỉnh, trong đó mỗi đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách một địa phương thường xuyên bám cơ sở kiểm tra, tuyên truyền, giúp người dân nhận thức được mình là chủ thể, mình làm vì mình, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ. Sự tự giác trong thực hiện ngày càng rõ nét, nhất là trong việc hiến đất làm đường giao thông thôn, xóm và thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập...

 Chưa hết, hai năm gần đây ở Hà Tĩnh "Ngày thứ bảy NTM" đã thành thông lệ, Ðoàn kiểm tra NTM của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban xây dựng NTM Võ Kim Cự dẫn đầu đi về cơ sở nắm tình hình xây dựng NTM ở các địa phương. Cách làm này đã giúp cơ sở và người dân tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đem lại nhiều kết quả thiết thực. Chẳng hạn về huyện Cẩm Xuyên kiểm tra, sau khi nghe gia đình ông Võ Ðình Vóc, thôn 4, xã Cẩm Trung trình bày vướng mắc trong vay vốn để nuôi 100 con lợn nái siêu nạc, đoàn kiểm tra đã yêu cầu ngân hàng giải trình. Trong thời gian ngắn, ông Vóc được vay đủ 700 triệu đồng theo yêu cầu. Nhờ đó, trang trại của ông Vóc trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển sản xuất ở xã Cẩm Trung. Không chỉ vốn mà các thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng... đều được các địa phương triển khai nhanh chóng. Việc lãnh đạo trực tiếp xuống tận nơi kiểm tra, đôn đốc đã chấn chỉnh ngay những biểu hiện thiếu trách nhiệm với phong trào. Một lãnh đạo cơ sở bày tỏ: "Nếu triển khai không tốt bị Chủ tịch UBND tỉnh "sạc" thì thiếu nước tìm lỗ nẻ... Nên cố mà làm".

 Qua chỉ đạo quyết liệt, một số cán bộ chủ chốt cấp cơ sở không theo kịp phong trào đã phải chuyển công tác cho phù hợp, trong đó các huyện Ðức Thọ, Vũ Quang... phải điều chuyển một số chủ tịch UBND xã sang cương vị mới. Huyện Can Lộc có hàng chục cán bộ, đảng viên phải nhận kỷ luật do chậm chỉ đạo việc chuyển đổi bộ giống lúa mới thay giống lúa cũ đã thoái hóa...

 Do luôn bị thiên tai tàn phá, để xây dựng NTM cho phù hợp, tỉnh Hà Tĩnh đã chọn Ðề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập làm khâu đột phá. Ðể nhanh chóng đạt hiệu quả, tỉnh chủ động sử dụng tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích phát triển các mô hình làm ăn lớn, phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua bằng Quyết định 26 và Quyết định 24 của UBND tỉnh. Các địa phương cũng dùng các nguồn tiết kiệm, cắt giảm đầu tư công trình nhỏ, lẻ để lập quỹ hỗ trợ các mô hình sản xuất. Các chính sách hỗ trợ đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp huy động vốn đầu tư phát triển sản xuất vươn lên làm giàu ngay trên quê hương. Quyết định 26 của tỉnh ban hành mới được hơn sáu tháng, người dân đã chủ động vay ngân hàng 414 tỷ đồng để đầu tư vào phát triển hàng nghìn mô hình sản xuất, trong đó có hơn 600 mô hình sản xuất có quy mô lớn, hiệu quả cao... Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh đã công bố 14 sản phẩm hàng hóa chủ lực, từ đó ưu tiên các nguồn lực cho sản xuất hàng hóa chủ lực quy mô lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng nhiều, nhất là mô hình liên doanh, liên kết. Như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công tycổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với hình thức liên kết "chăn nuôi gia công" đã xây dựng được gần 100 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô từ 500 đến 1.200 con/lứa; doanh nghiệp liên kết với 26 xã triển khai trồng lúa chất lượng cao gắn tiêu thụ sản phẩm trên cánh đồng mẫu lớn hơn 3.650 ha...

 Mỗi địa phương đều chọn thế mạnh của mình làm điểm đột phá. Tại huyện lúa Can Lộc, Ðức Thọ... việc tập trung phát triển đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bằng việc ưu tiên tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa sang ô thửa lớn và liên kết với doanh nghiệp để triển khai cánh đồng mẫu lớn; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ bằng giống có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Nông thôn mới gắn với nông nghiệp sạch, đi cùng với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên hỗ trợ và phát động phong trào cơ giới hóa, để rút lao động từ sản xuất nông nghiệp sang ngành nghề chăn nuôi, dịch vụ... Qua tuyên truyền, huyện miền núi Vũ Quang (thuộc diện huyện nghèo) đã động viên được một số cán bộ, đảng viên (nhất là các bí thư, Chủ tịch xã) đi đầu trong phát triển các mô hình sản xuất, trong đó mô hình trang trại tổng hợp kết hợp nuôi lợn siêu nạc quy mô lớn của Bí thư đảng ủy xã Hương Minh Phạm Văn Ðức, Chủ tịch UBND xã Ðức Giang Nguyễn Minh Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ðức Lĩnh Nguyễn Thị Thọ... là những thí dụ điển hình. Huyện cử đoàn công tác xuống các xã, xóm tìm hiểu, phát hiện các gia đình có điều kiện để động viên họ xây dựng mô hình sản xuất. Huyện còn đứng ra bảo lãnh vay vốn ngân hàng, hướng dẫn làm thủ tục đất đai, thành lập doanh nghiệp... Huyện Hương Sơn ưu tiên hỗ trợ hàng trăm trang trại, gia trại trồng rừng, cây ăn quả và nuôi hươu, mô hình từ 10 con trở lên. Ðến nay, đàn Hươu ở huyện Hương Sơn đã đạt gần 35 nghìn con. Các huyện miền biển Lộc Hà, Nghi Xuân... ưu tiên hỗ trợ phát triển đội tàu xa bờ, nuôi tôm trên cát...

 Hạn chế cần khắc phục

 Qua hai năm thực hiện Chương trình NTM ở Hà Tĩnh cũng bộc lộ những hạn chế. Ðó là, một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước trong xây dựng NTM, số khác còn chạy theo hình thức, nóng vội thành tích nhiệm kỳ... Một số địa phương chính sách chưa chuyển tải hết đến cho người dân hoặc dân chưa hiểu hết. Việc tập huấn, hướng dẫn của một số sở, ngành chưa kịp thời, mang tính một chiều. Kế đến là chất lượng quy hoạch và xây dựng đề án ở nhiều xã còn thấp, tính khả thi chưa cao, nhất là đối với đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Người dân thiếu vốn sản xuất nhưng vẫn khó đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định. Nhiều mô hình quy mô nhỏ, năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao, thiếu bền vững. Chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn để kết nối thị trường tiêu thụ. Chương trình xây dựng NTM được nhân dân kỳ vọng song nguồn lực trong dân hạn chế, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn khó khăn, trong lúc vốn hỗ trợ còn thấp, cho nên việc đầu tư xây dựng còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, sẽ ảnh hưởng đến nhóm các xã về đích năm 2015. Một bộ phận cán bộ cấp cơ sở còn thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm và hạn chế về trình độ, chuyên môn lẫn sức khỏe; việc đào tạo nghề chưa theo sát thực tế. Các thiết chế văn hóa thể thao xã và thôn còn thiếu, chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa chưa cao; an ninh trật tự nhiều địa phương còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, nhất là tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng...

 Nếu khắc phục được những hạn chế nêu trên, tin rằng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Hà Tĩnh sẽ sớm về đích.

 Sau hơn hai năm triển khai Chương trình NTM, tỉnh Hà Tĩnh đã thu được một số kết quả: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 14%/năm, thu ngân sách tăng 1,35 lần so năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,1%. Trong số 235 xã đã có sáu xã đạt từ 16 đến 18 tiêu chí (riêng xã Tùng Ảnh đạt 18 tiêu chí), 44 xã đạt từ 10 đến 15 tiêu chí... và chỉ còn 30 xã đạt dưới năm tiêu chí, giảm 42 xã so trước đây. Trung bình mỗi xã đạt thêm từ một đến ba tiêu chí/năm; cá biệt trong hai năm qua, một số xã từ 8 đến 10 tiêu chí, như Gia Phố (Hương Khê) Tùng Ảnh (Ðức Thọ), Khánh Lộc (Can Lộc).

Bài, ẢNH: THÀNH CHÂU

Theo nhandan.org.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 224

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 222


Hôm nayHôm nay : 52233

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1057935

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72740644