Nhưng nhờ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, sự nhất trí cao trong ban lãnh đạo xã mà Sơn Dương đang tiến gần tới đích trong XDNTM.
Là một trong ba xã được tỉnh Phú Thọ chọn xây dựng điểm mô hình NTM, sau hơn 2 năm triển khai, Sơn Dương đã đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí NTM. Khi triển khai XDNTM, UBND xã Sơn Dương đã tổ chức các buổi họp Đảng bộ, khu dân cư, các đoàn thể chính trị - xã hội; xin ý kiến của nhân dân theo quy chế dân chủ về mức đóng góp cho các công trình đường giao thông, kênh mương nội đồng cũng như các tiêu chí về văn hóa, xã hội. Việc xây dựng đề án, quy hoạch được sự chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, cũng như sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, sự phối hợp tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, các đoàn thể… Do đó, việc triển khai các chương trình, dự án ở đây diễn ra khá thuận lợi, sát với thực tế địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đức Thắng, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Trước đây, khi chưa có chủ trương XDNTM, Sơn Dương đã là địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được áp dụng triệt để khiến người dân rất tin tưởng. Thành công lớn nhất của xã trong XDNTM là hoàn thành được 2 tiêu chí quan trọng: giao thông và thủy lợi”.
Theo ông Thắng, đến nay, toàn bộ đường trục xã, đường liên thôn ở Sơn Dương đã được trải nhựa hoặc bê-tông hóa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 5,4km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Cùng với đó, xã cũng gặt hái thành công việc dồn điền đổi thửa, với hơn 240ha gieo trồng hàng năm được quy hoạch thành các vùng sản xuất, trong đó có 27,7ha nuôi trồng thủy sản.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi cũng đem lại những hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế trang trại, hộ gia đình, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đạt 16,5 triệu đồng/người thì năm 2012 tăng lên 18 triệu đồng/người (tăng 9,1%).
Cơ cấu lao động ở Sơn Dương cũng đang có bước chuyển dịch khá mạnh từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác như dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Nếu như tỷ trọng lao động nông nghiệp năm 2010 chiếm 50% thì đến năm 2012 giảm còn 30,6%. Sơn Dương ngày càng có nhiều cửa hàng dịch vụ, cơ sở sản xuất, góp phần tạo nên diện mạo mới cho làng quê.
Ông Thắng cho biết thêm: “Thuận lợi nhất của chúng tôi trong quá trình XDNTM là sự nhất trí, nhiệt tình ủng hộ của nhân dân, cộng với sự chỉ đạo sát sao, chung tay phối hợp của các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, huyện và sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ xã. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc vận động nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra; cân đối nguồn lực để sớm hoàn thành các tiêu chí có tính chất xã hội hóa…”.
Hoàng Kim
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn