Nước, rác thải ”làm khó” huyện NTM
Một trong những địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình cán đích huyện NTM bởi tiêu chí môi trường là huyện Hoài Đức. Theo đó, toàn huyện có 51/53 làng có nghề, trong đó có 3 làng nghề chuyên chế biến nông sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Các làng nghề này chủ yếu sản xuất tinh bột sắn, dong riềng nên lượng nước thải ra rất lớn, khoảng 3.155.000m3/năm.
Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức mới được khánh thành, đưa vào sử dụng vào đầu tháng 10.2016.Công trình sẽ giúp cải thiện tình hình môi trường nước làng nghề tại địa phương này. Ảnh: H.Đ
Để đạt được tiêu chí môi trường, mỗi địa phương cần có cách làm riêng để phù hợp với điều kiện sinh hoạt của cư dân trên địa bàn. Đồng thời cần có các phương án huy động nhiều nguồn lực trong xã hội chung tay góp sức bảo vệ môi trường”. Ông Lê Thiết Cương
|
Kết quả phân tích mẫu nước của Sở TNMT Hà Nội cho thấy, nguồn nước mặt tại các làng nghề có màu đen xám, cao hơn trung bình hơn 2 lần; hàm lượng ô nhiễm chất coliform (một nhóm vi khuẩn rất phổ biến) cao hơn vài nghìn lần so với mức trung bình; lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn hơn 18 lần, lượng oxy cần thiết để oxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng cũng cao hơn tiêu chuẩn 12,3 lần…
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, ô nhiễm môi trường không chỉ “hành hạ” người dân 3 xã này mà còn khiến người dân nhiều xã khác bị vạ lây. Nước thải và chất thải của các làng nghề đổ ra kênh T2 và T26 chảy qua nhiều xã khiến con kênh này trở thành kênh “chết”. Đặc biệt, đoạn chảy qua các xã Sơn Đồng, Yên Sở, chất thải dồn về, đóng thành những tảng dày đặc, màu đen, bốc mùi hôi thối. Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở - ông Nguyễn Đăng Hoan cho biết, nhiều hộ dân đang phải sống cạnh con kênh ô nhiễm nên rất bức xúc. Đáng nói là người dân Yên Sở không sản xuất làng nghề, nhưng cũng phải gánh chịu ô nhiễm và không biết làm gì để tháo gỡ.
Trong khi đó, ông Đỗ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Đến hết năm 2015, toàn huyện có 17/19 xã đạt chuẩn NTM, chỉ còn 2 xã là Dương Liễu và Vân Côn chưa đạt chuẩn. Huyện đã được thành phố hỗ trợ xây dựng 3 dự án xử lý nước thải ở các xã Dương Liễu, Sơn Đồng, Vân Canh, tuy nhiên tiến độ thực hiện quá chậm.
Tương tự, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai cũng đang đau đầu bởi vấn đề ô nhiễm môi trường đã lâu song chưa có phương án giải quyết hữu hiệu. Mặc dù bà con trong xã không chăn nuôi gia cầm, song có nghề giết mổ rất phát triển. Hàng ngày, một lượng rất lớn nước thải, phế phẩm sau giết mổ được các hộ xả trực tiếp ra cống rãnh chung không qua xử lý.
Ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NNPTNT Hà Nội) thừa nhận tiêu chí số 17 (môi trường) rất khó thực hiện. Rất ít xã của Hà Nội đạt chỉ tiêu cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn theo quy định. “Hiện, đã có một số xã triển khai xây dựng nghĩa trang, nhưng cũng ít có xã hoàn thành theo quy hoạch NTM. Đáng nói là việc sử dụng đất nghĩa trang hiện nay vẫn phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu quan tâm đến chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm đến diện tích cây xanh, xử lý nước thải và các công trình phụ trợ... Đợt chấm điểm vừa qua, trong số các xã vừa được công nhận NTM, chúng tôi chưa thấy địa phương nào đạt trọn vẹn các chỉ tiêu về môi trường” – ông Cương khẳng định.
Một hộ vi phạm, xã mất danh hiệu NTM
Phát biểu tại hội nghị tập huấn cán bộ xây dựng NTM vừa qua tại Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM T.Ư cho rằng, so với bộ tiêu chí xây dựng NTM mới, Quyết định 1980 của Thủ tướng Chính phủ vẫn giữ nguyên 19 tiêu chí so với giai đoạn trước, nhưng tăng thêm 10 chỉ tiêu (từ 39 chỉ tiêu lên 49). Điều đó cho thấy yêu cầu của Chương trình xây dựng NTM ngày càng cao hơn trước.
Ông Nguyễn Minh Tiến cũng cho biết, tiêu chí môi trường được đánh giá là khó thực hiện nhất và cũng dễ biến động nhất. Ở giai đoạn trước, hầu hết các xã, huyện đạt chuẩn đều được châm chước về tiêu chí môi trường, tuy nhiên nếu tiếp tục chấp nhận môi trường như vậy, sẽ không xây dựng được môi trường nông thôn đáng sống. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2016 – 2020, tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) được tăng lên 8 chỉ tiêu, trong đó yêu cầu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Chỉ cần một hộ gia đình bị phát hiện sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm như muối dưa, cà bán nhiễm chất vàng ô thì xã sẽ mất danh hiệu NTM” – ông Tiến cảnh báo.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn