Theo kế hoạch đề ra, cuối năm 2014, xã Phù Việt (Thạch Hà) sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến thời điểm hiện nay, địa phương đã đạt 11 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đang được người dân “làng đỏ” gấp rút hoàn thiện đúng hẹn.
Xã viên HTX môi trường Thạch Tân (Thạch Hà) thu gom, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường |
Theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Nguyễn Bá Du, trong các tiêu chí còn lại thì việc hoàn thành tiêu chí 17 (môi trường) vẫn khó khăn nhất. Mặc dù các tổ chức, đoàn thể chính trị đã tình nguyện huy động đoàn viên, hội viên tham gia thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường và xây dựng các tuyến đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, nhưng khó nhất đối với địa phương chính là việc xây dựng điểm thu gom, tập kết, xử lý rác thải đúng quy trình. Theo tính toán, để xây dựng được điểm xử lý rác đảm bảo môi trường thì địa phương bỏ ra một nguồn kinh phí không hề nhỏ. Trong chặng nước rút này, nếu không huy động được nguồn lực xã hội hóa, vấn đề xử lý rác thải hợp quy chuẩn sẽ rất khó khăn.
Tương tự, xã Thạch Long (Thạch Hà) cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường. Do chưa có điểm tập kết, xử lý nên đa phần rác thải sau khi thu gom đều được các gia đình chôn lấp hoặc xử lý trong vườn. Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Long - Nguyễn Đình Đường cho biết, bên cạnh những khó khăn trong thu gom, xử lý rác thải thì địa phương đang rất bối rối trong việc hoàn thành tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. “Tưởng rằng, đây sẽ là lợi thế của Thạch Long bởi năm 2009, chúng tôi đã được hỗ trợ xây dựng công trình cung cấp nước sạch tập trung phục vụ sinh hoạt cho hơn 5.500 hộ dân với tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, 4 năm sau khi hoàn thành, vì nhiều nguyên do khác nhau, công trình cấp nước vẫn “đắp chiếu”, án binh bất động. Ao ước sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh của bà con như muối bỏ bể” - ông Đường cho hay.
Công trình cấp nước tập trung xã Thạch Long “đắp chiếu” sau 5 năm xây dựng khiến việc thực hiện tiêu chí môi trường của địa phương gặp nhiều khó khăn. |
Bên cạnh đó, việc thực hiện tiểu tiêu chí nghĩa trang ở Thạch Long cũng đối mặt với không ít thử thách. Theo quy định của tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM thì nghĩa trang phải được quy hoạch về khu tập trung và đảm bảo các chức năng về kiểu dáng, kích thước… Tuy nhiên, theo thống kê, hiện nay ở Thạch Long đang tồn tại rất nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ nằm rải rác tại các khu dân cư. Tình trạng mạnh ai nấy làm trong xây dựng nghĩa trang cũng là thực trạng chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh ta. Không quy hoạch rõ ràng, xây dựng thiếu hợp lý, hàng trăm nghĩa trang vẫn nằm rải rác tại các khu dân cư, cánh đồng…
Quá trình thực hiện tại các địa phương cho thấy, việc hoàn thành tiêu chí môi trường vừa dễ lại vừa khó. Theo chuyên viên Phòng TN&MT huyện Cẩm Xuyên - Nguyễn Thị Thanh Hường, có những địa phương thậm chí đã công bố hoàn thành tiêu chí môi trường, nhưng khi kiểm tra lại thì mức độ hoàn thành vẫn chưa cao, việc đánh giá mức độ thực hiện các tiểu tiêu chí vẫn còn ở mức định tính.
Cũng theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng - Nguyễn Văn Báu, mặc dù các cơ sở SXKD đều có cam kết và chứng nhận bảo vệ môi trường nhưng với đặc thù của địa phương sản xuất nông nghiệp, chúng ta chỉ đảm bảo được sự trong lành về môi trường một cách tương đối. Hiện nay, chúng ta đang khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao để xử lý chất thải, thế nhưng, tại nhiều khu dân cư, người dân vẫn chưa từ bỏ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo vệ sinh môi trường cho những hộ dân xung quanh. Càng sử dụng thức ăn công nghiệp thì mức độ ảnh hưởng môi trường càng lớn.
Theo khảo sát của chúng tôi tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà và Cẩm Xuyên, hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch vẫn còn khiêm tốn. Nước giếng đào, khoan và nước mưa vẫn là nguồn cung cấp chính của người dân ở các làng quê, việc sử dụng nước hợp vệ sinh vẫn là điều gì đó “xa xỉ” đối với bà con nhiều vùng khi nguồn nước ngầm cạn kiệt.
Liên quan đến tỷ lệ các hộ dân được sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, bằng các nguồn hỗ trợ khác nhau, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, vận hành các công trình cấp nước còn tồn tại nhiều vấn đề nên hiệu quả còn thấp. Đặt trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện đồng bộ các tiêu chí xây dựng NTM, các đơn vị, địa phương liên quan cũng cần có cái nhìn thấu đáo hơn trong việc đầu tư, sử dụng các công trình cấp nước ở nông thôn.
Xây dựng NTM, suy cho cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chúng ta không chạy đua với thành tích, nhưng trước hết, các địa phương cần ưu tiên thực hiện các công việc cấp thiết như: cung cấp nước sạch cho người dân, thu gom, xử lý rác thải, đồng thời mau chóng triển khai những phần việc cần ít kinh phí như phát quang bụi rậm đường làng, ngõ xóm, cải tạo vườn tạp để vừa có thu nhập, vừa có cảnh quan đẹp trong mỗi gia đình.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn