Đất rộng và phì nhiêu, năm 2005 vợ chồng anh vay mượn 20 triệu đồng mua giống chè CLV 32 về trồng trên diện tích 1ha.
Trước khi quyết định trồng chè anh đã tìm hiểu rất kỹ về giống chè, thị trường bán sản phẩm. “Dù Hà Tĩnh chưa phải là địa phương có thế mạnh về phát triển cây chè, nhưng những năm qua ngay trên địa bàn huyện Hương Sơn đã có nhà máy thu mua và sơ chế chè Tây Sơn, sau đó nhập về Công ty chè Hà Tĩnh chế biến, nguyên liệu chè không đủ cung cấp cho nhà máy sản xuất”- anh Nhàn kể.
Các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn việc chăm sóc, hái chè cho người dân (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Báo Hà Tĩnh)
Giờ đây, sau 8 năm toàn bộ diện tích hơn 1ha của gia đình anh Nhàn được phủ bởi một màu xanh bạt ngàn của chè, trung bình mỗi năm thu 30 tấn, trị giá trên 140 triệu đồng. Anh Nhàn khoe: “Làm nông nghiệp mà thu nhập được cả trăm triệu đồng/năm là điều mơ ước của không chỉ gia đình tôi mà của hàng nghìn hộ dân ở huyện Hương Sơn này”.
Theo tính toán của anh Nhàn: “Trồng chè, một năm chỉ bón phân một lần, cây chè sau 30 năm mới thay giống mới, đối với cây chè đầu tư một lần thu hoạch lâu dài”.
Cũng theo anh Nhàn, Sơn Kim 2 tuy là xã vùng núi thường xuyên bị mưa lũ gây ngập rất khó khăn cho các loại cây trồng, nhưng cây chè không bị ảnh hưởng lớn. Cụ thể như trận lũ vào giữa tháng 10.2013, hàng trăm hecta chè bị ngập, sau khi nước rút người dân chăm bón phát tỉa những cành hư hỏng, sau một tháng cây chè lại cho thu hoạch.
Ông Cao Kỷ Vỵ-Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết: “Anh Nhàn không chỉ là trưởng thôn năng nổ mà còn là người đi đầu trong việc trồng chè công nghiệp. Từ mô hình của anh Nhàn, hiện thôn Làng Chè có trên 80 hộ đầu tư sản xuất chè búp từ 0,5-1ha, cho thu nhập từ 50-120 triệu đồng/năm.
Lam Khê
Theo danviet.vn