Sau thời gian tham gia quân ngũ, năm 1992, ông Mạnh trở về quê hương với bao khó khăn, thiếu thốn. Hai vợ chồng làm lụng quần quật từ sáng tới tối, mấy năm sau mới khai hoang được 6ha đồi để trồng cam sành. Sau hơn 4 năm trồng và chăm sóc, vườn cam của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch. Toàn bộ số tiền thu được từ vụ cam đầu tiên, ông đầu tư mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng cam. Đến năm 2005, tổng diện tích vườn đồi của vợ chồng ông đã lên đến 18ha, trong đó có 12ha trồng cam sành và 6ha làm trang trại chăn nuôi. Ông Mạnh cho biết: “Với vườn cam mới trồng, tôi thường kết hợp trồng xen các loại cây họ Đậu như lạc, đậu tương… nhằm lấy ngắn nuôi dài và bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất. Từ năm 2005 đến nay, năm nào vườn cam của gia đình cũng cho thu hoạch 44 - 50 tấn quả, thu nhập đạt 460 - 520 triệu đồng/năm, trừ chi phí, lãi 360 - 420 triệu đồng/năm. Ngoài việc chăm sóc cam, trên diện tích 6ha còn lại, gia đình ông Mạnh đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn, gia cầm, trâu, bò và đào ao thả cá. Theo ông, việc chăn nuôi không những giúp gia đình có thu nhập cao mà còn tạo ra nguồn phân hữu cơ khá lớn để cải tạo và bổ sung dinh dưỡng cho vườn. Chỉ tính riêng thu nhập từ chăn nuôi và trồng rau đậu, gia đình ông đã có thu khoảng 120 triệu đồng/năm, trừ chi phí, lãi trên 70 triệu đồng/năm. Khi hỏi về bí quyết làm VAC, ông Mạnh chia sẻ: “Không riêng gì làm VAC mà bất cứ ngành nào cũng đòi hỏi con người phải nỗ lực học hỏi, tiếp thu và mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cũng như nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường. Ngoài ra, còn phải biết liên kết giữa nhà vườn với các đầu mối trong quá trình tiêu thụ để sản phẩm làm ra không bị tư thương ép giá”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Quang nhận xét: “Ông Vũ Văn Mạnh không những là đảng viên, cựu chiến binh làm kinh tế giỏi mà còn là người nhiệt tình, luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm vườn với nông dân trong xã; sẵn sàng ủng hộ giống cam sành cho các hộ nghèo có nhu cầu. Đặc biệt, trong phong trào XDNTM, gia đình ông Mạnh đã nhiệt tình đóng góp 100 triệu đồng để xã làm đường bê-tông”. “Để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển cam cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác của gia đình và bà con trong xã, gia đình ông Mạnh còn bỏ ra trên 300 triệu đồng làm cầu xi-măng kiên cố, thay thế chiếc cầu treo cũ. Hiện, trang trại của gia đình ông Mạnh đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng và 15-20 lao động thời vụ khi vào mùa thu hoạch cam”, ông Minh nói. Với những thành tích trong phát triển kinh tế, ông Mạnh đã được UBND tỉnh Hà Giang, UBND huyện Bắc Quang và Hội Nông dân tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Mới đây nhất, tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về “Giải pháp phát triển cam tại các tỉnh phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang phối hợp tổ chức, ông Mạnh vinh dự được mời tham luận báo cáo kinh nghiệm với tư cách là hộ trồng cam điển hình của Hà Giang. Phạm Văn Phú |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn