Xã Bình Thạnh phát triển mạnh trang trại chăn nuôi cho thu nhập khá
Ông Nguyễn Công Khanh ở ấp Thanh Bình 1, xã Bình Thạnh (Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết, trước đây gia đình ông chủ yếu trồng cà phê, khi có chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi đã mạnh dạn xây trang trại nuôi gà.
"Tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng chuồng trại, con giống, thiết bị đường điện, hệ thống uống nước, uống thuốc tự động, hệ thống khử trùng; trong đó có 8 dãy chuồng gà đẻ gồm 5 dãy chuồng nuôi 20.000 con/dãy và 3 dãy chuồng nuôi gà trắng Malaysia 10.000 con/dãy. Chỉ tính riêng gà đẻ, một ngày gia đình tôi xuất bán từ 80.000 - 90.000 quả trứng”, ông Khanh nói.
Hiện trang trại của ông Khanh đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động ở địa phương với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng bao ăn ở.
Tương tự anh Nguyễn Hữu Phúc, sinh năm 1969 ở thôn Thanh Bình 2, xã Bình Thạnh trước đây cũng trồng được 1,5 ha cà phê, nhưng do mấy năm giá cả không ổn định, cà phê sâu bệnh nhiều nên anh chuyển sang chăn nuôi. Năm 2009 nuôi heo, đến năm 2012 anh xây dựng trang trại nuôi bò sữa.
Lúc đầu anh Phúc mua 4 con bò cái về nuôi thử thấy cũng dễ, thức ăn chủ yếu là cỏ trồng xung quanh trại, sản phẩm sữa tươi được công ty bao tiêu mua giá cố định có lãi. Sau vài vụ sữa, Phúc lại gom góp tiền mua thêm bò mẹ.
Theo ông Doanh, phát triển trang trại chăn nuôi giúp người dân mở rộng quy mô SX hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần tích cực xây dựng NTM. Chỉ tính riêng trong năm 2013, người dân xã Bình Thạnh đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng tiền mặt, hiến hàng ngàn mét vuông đất và hàng trăm ngàn ngày công lao động làm NTM. |
Hiện gia đình Phúc sở hữu 13 con bò mẹ và 9 con bê cái, trong đó có 10 con cho khai thác sữa, trung bình thu 2 triệu đồng/ngày. Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, Phúc đã trồng 1 ha cỏ voi, vừa tiết kiệm chi phí vừa có nguồn cỏ xanh chất lượng giúp bò khỏe mạnh, cho sữa nhiều.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Doanh, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, trước đây người dân địa phương chủ yếu trồng độc canh cây cà phê. Từ khi triển khai xây dựng NTM, được sự hỗ trợ của nhà nước, họ đã mạnh dạn phá bỏ thế độc canh, chuyển đổi cây trồng như xen canh cây dâu tằm, cấy lúa nước, phát triển trang trại chăn nuôi.
Chính vì vậy, cơ cấu SX nông nghiệp của Bình Thạnh có bước chuyển biến rõ rệt theo hướng nâng cao giá trị ngành chăn nuôi. Năm 2010, giá trị SX trồng trọt của địa phương chiếm 80%, chăn nuôi chỉ chiếm 20%.
Nhưng đến nay, xã đã có khoảng 60 trang trại chăn nuôi, chủ yếu là trang trại chăn nuôi heo với số lượng gần 30.000 con và trang trại gà trên 130.000 con. Giá trị SX chăn nuôi của xã Bình Thạnh năm vừa qua đạt trên 120 tỷ đồng, chiếm 55,6% tổng giá trị SX nông nghiệp. Đặc biệt có những trang trại chăn nuôi của người dân có quy mô lớn trị giá hàng chục tỷ đồng.
Ngoài ra, xã Bình Thạnh cũng đang phát triển nhanh mô hình nuôi ong giữa vườn cà phê và chăn nuôi bò sữa. Hiện có gần 70 hộ nuôi ong giữa vườn cà phê với số lượng hơn 3.000 thùng và có 10 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn gần 100 con.
Cùng với việc phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi, thì thu nhập bình quân của người dân trong xã không ngừng được nâng lên. Nếu năm 2010, thu nhập bình quân của người dân mới chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2013 đã tăng lên 37 triệu đồng/người/năm và đang phấn đấu đạt 40 - 42 triệu đồng/người/năm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn