“Cánh đồng mẫu lớn” ở Cẩm Bình là tiền đề mở rộng mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Ảnh: TL |
Xã Cẩm Bình- xã 4 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng qua các thời kỳ- trong những tháng đầu năm 2012 này luôn trong không khí khẩn trương và đầy ắp tiếng cười. “Không khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện thì làm sao chúng tôi hoàn thành tốt các chương trình, mục tiêu, kế hoạch đề ra như thời gian qua...”, anh Nguyễn Thiên Toàn- Phó Chủ tịch UBND xã, nói. Được biết, tính đến hết tháng 10/2012, xã Cẩm Bình đã hoàn thành 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới(NTM)và cùng với xã Cẩm Thăng đang dẫn đầu toàn huyện về lĩnh vực này. Tin vui nữa là vụ hè thu vừa qua, nhờ sự đổi mới, năng động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã, mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa VTNA2 với diện tích 426 ha tại Cẩm Bình đã thành công với năng suất đạt 56 tạ/ha, tăng 20% so với các vụ hè thu trước đó. “Thành công này là kết quả của sự quan tâm, vào cuộc của Doanh nghiệp, chính quyền, bà con nông dân và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích kịp thời, có hiệu quả của chính quyền các cấp...”, anh Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết. Tin thêm, ngoài các chính sách của tỉnh, huyện, một số xã ở huyện Cẩm Xuyên còn có các chính sách riêng hỗ trợ phát triển kinh tế tại địa phương như: Cẩm Lạc, Cẩm Minh, Cẩm Bình, Cẩm Thành, Cẩm Lĩnh, Cẩm Thạch. Chẳng hạn như Cẩm Bình. Trong mô hình cánh đồng mẫu lớn, ngoài hỗ trợ 50% của tỉnh và huyện, xã đã bỏ kinh phí hỗ trợ 50% số tiền giống còn lại để giúp bà con yên tâm tập trung sản xuất lớn.
Mô hình điểm nuôi lợn liên kết CP của HTX Minh Lộc, Cẩm Minh |
Thành công của chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất và cho hiệu quả tốt không chỉ ở Cẩm Bình. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2012, nhờ các quyết định hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, huyện và cả ở một số xã, 25 xã trên địa bàn Cẩm Xuyên đều có những chuyển biến toàn diện, nhanh chóng không chỉ trên lĩnh vực nông nghiệp mà cả trong xây dựng NTM. Theo UBND huyện, tính đến hết tháng 10/2012, toàn huyện đã có 20/25 xã cắm mốc quy hoạch; 25/25 xã đã được phê duyệt đề án xây dựng NTM và đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài việc duy trì và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất đã có, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho nhân dân, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã thành lập mới 35 tổ hợp tác, 22 HTX...Các tổ chức này bước đầu đã đi vào hoạt động và đạt được những kết quả rõ nét, nhất là trên lĩnh vực môi trường và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Các mô hình phát triển sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình có hiểu quả kinh tế và khả năng nhân rộng cao. Theo thống kê, tính đến nay, toàn huyện đã có 137 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, trong đó có : 19 mô hình trồng trọt; 60 mô hình chăn nuôi; 39 mô hình về nuôi trồng thủy sản; 13 mô hình tổng hợp; 3 mô hình lâm nghiệp; 3 mô hình HTX sản xuất kinh doanh. “Bước đầu đã hình thành được các mô hình sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, tập trung vào hàng hóa nông nghiệp chủ lực như: mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Cẩm Bình; mô hình nuôi lơn liên kết ở Cẩm Thành, Cẩm Dương, Cẩm Lạc, Cẩm Hòa, Cẩm Minh.”, anh Trần Hữu Duyệt, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết.
Theo giới thiệu của Phòng NN&PTNT huyện, chúng tôi đã về tìm hiểu tại một số mô hình được đánh giá là “điển hình, có hiểu quả cao, có khả năng nhân rộng” như: cánh đồng mẫu lớn Cẩm Bình; mô hình nuôi lợn liên kết C.P của HTX Minh Lộc, Cẩm Minh; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Trần Mạnh Duyên ở Cẩm Lĩnh...Một điểm chung của các mô hình điểm này là sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng NTM; ít nhiều đều được hình thành, phát triển nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, huyện, và cả cấp xã. Nhìn cơ ngơi trang trại với 1000 lợn vào cở 65-70kg/con của HTX Minh Lộc, Cẩm Minh mới thấy được tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân và sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy chính quyền có ý nghĩa thật lớn lao, quyết định đến hành động và thành công của một chính sách...Anh Trương Xuân Bính, Chủ nhiệm HTX này ,cho biết: “Ngoài hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh trong việc vay vốn như: vay từ Ngân hàng Nông nghiệp 1 tỷ đồng, Liên minh HTX tỉnh 400 triệu đồng, vay theo QĐ 24 của tỉnh 500 triệu đồng, chúng tôi còn được huyện hỗ trợ 300 triệu đồng theo QĐ 1414. Nếu không có gì thay đổi, khoảng 2 tháng nữa, lợn sẽ được xuất chuồng với lãi ròng chừng 200 triệu đồng”.
Theo UBND huyện, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Cẩm Xuyên là rất đáng ghi nhận. Trong những tháng đầu năm 2012, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã nhận được sự hỗ trợ theo QĐ 24 của tỉnh là trên 1.500 triệu đồng; được vay theo QĐ 26 của tỉnh là gần 16.000 tỷ đồng và gần 2.500 triệu đồng hỗ trợ của huyện theo QĐ 1414.
Phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với xây dừng NTM ở Cẩm Xuyên đang phát huy hiệu quả nhờ có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích kịp thời, đáp ứng nhận thức, lòng mong mỏi của người dân.
Trọng Tuệ - Thành Châu
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn