Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã đã có phần xuống cấp, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Bình Định bày tỏ rõ sự âu lo. Sau 3 năm triển khai và thực hiện, xã mới chỉ đạt được 5/19 tiêu chí xây dựng NTM, đó là các tiêu chí về quy hoạch, điện, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất và tổ chức chính trị xã hội. Ngoài những công trình dựa vào nguồn ngân sách tỉnh phân bổ, thì hệ thống các công trình phúc lợi chưa hoàn thiện được hạng mục nào. Trong đó, tỷ lệ đường giao thông nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa là không đáng kể; hệ thống kênh mương thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, ở cấp Tiểu học và Mầm non, vẫn xảy ra tình trạng thiếu lớp học, phải học nhờ nhà dân; Trạm y tế xã dột nát, dẫn đến nhiều loại máy móc bị hỏng hóc... Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 mới chỉ đạt 13 triệu đồng/ người/năm.
Thẳng thắn chia sẻ về nguyên nhân, ông Quang nhấn mạnh vào 3 nội dung chính: “Trong chương trình xây dựng NTM, vốn đầu tư là một yếu tố rất quan trọng, không có vốn thì không thể làm được gì”. Theo ước tính, Bình Định cần 80 tỷ đồng để hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Trong khi, đây là một xã thuần nông có xuất phát điểm về kinh tế thấp, với hơn 70% hộ dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Mặc dù xã có hơn 600 người đi xuất khẩu lao động, kinh tế một số gia đình khấm khá nhưng việc tái đầu tư để phát triển kinh tế tại địa phương thì hầu như không có. Đa phần người dân vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, chưa chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa...Vì vậy, việc phát huy nội lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân... không phải là điều dễ dàng.
Một vấn đề cũng gây đau đầu với lãnh đạo xã đó là những hệ lụy và bất cập do quá trình “quy hoạch ngược” ở địa phương. Bình Định vốn là xã tiến hành dồn điền đổi thửa sớm của huyện Lương Tài, trước khi có chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi chưa được tính toán đầy đủ, trong khi đất giao cho người dân nay rất khó để thu hồi. Hiện, rất nhiều hạng mục công trình của xã thiếu mặt bằng như trường tiểu học, nhà văn hóa xã, sân thể thao... làm chậm tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương.
Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến việc “tụt hậu” trong xây dựng NTM ở Bình Định, là do một bộ phận cán bộ nhận thức chưa đầy đủ về nội dung, phương pháp thực hiện và các bước tiến hành xây dựng NTM. Từ đó, công tác tuyên truyền còn lúng túng, hình thức tuyên truyền về xây dựng NTM chưa phong phú, đa dạng; nội dung tuyên truyền chưa thật sự đi vào nhận thức của nhân dân, dẫn đến việc phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân chưa được cao.
Nhận định về chương trình xây dựng NTM ở Bình Định, ông Phạm Huy Tăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lương Tài cho biết: “...Nơi nào cũng “than” khó khăn về vốn. Thế nhưng, chính quyền địa phương phải xác định rằng, ngoài những tiêu chí cần nguồn đầu tư, thì vẫn còn có những tiêu chí như an ninh trật tự xã hội, văn hóa… đều có thể hoàn thành được mà không quá tốn tiền của. Do đó, thay vì ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của trên, chính quyền xã phải nghiên cứu tình hình cụ thể và vạch ra một lộ trình thực hiện chủ động, phù hợp với điều kiện của địa phương”.
Điều quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ xã phải làm tốt công tác chỉ đạo, tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ phong trào, bởi suy cho cùng, mục tiêu lớn nhất của xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần phát triển các vùng nông thôn một cách bền vững.