202 xã chưa có quy hoạch
Ông Tăng Minh Lộc- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết: “Tính đến nay, đã có 3.770/5.855 xã thuộc khu vực phía Bắc phê duyệt xong quy hoạch chung nông thôn mới (NTM) (đạt 64,4%), các xã còn lại đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để trình cấp thẩm quyền phê duyệt”. Theo ông Lộc, đã có 8 tỉnh hoàn thành cơ bản công tác quy hoạch là Thái Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam và Lào Cai.
Xây dựng trụ sở xã nông thôn mới ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). |
Tuy nhiên, đến thời điểm này còn một số tỉnh như Sơn Lai, Điện Biên, Bắc Kạn, Hải Phòng, Quảng Trị có tỷ lệ phê duyệt rất thấp, chỉ đạt từ 2-4%. Đáng chú ý là, có đến 202 xã (bằng 10% số xã của vùng miền núi phía Bắc) chưa triển khai công tác quy hoạch. Ngay cả khi triển khai quy hoạch rồi, nhưng chất lượng công tác quy hoạch còn hạn chế.
“Nhiều ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện còn chưa hiểu đầy đủ về nội dung và yêu cầu đồ án quy hoạch NTM, hầu hết các xã mới phê duyệt quy hoạch chung, chưa thực hiện quy hoạch chi tiết, dẫn tới khó khăn cho triển khai thực hiện... Kinh phí khoán (150 triệu đồng/xã) đã sử dụng hết, các công việc tiếp theo chưa có nguồn kinh phí đảm bảo”- ông Lộc cho biết thêm.
Khi triển khai quy hoạch các đơn vị tư vấn chủ yếu xây dựng xong quy hoạch chi tiết khu dân cư và trung tâm xã, lúng túng trong quy hoạch chi tiết sản xuất.
Nhiều vấn đề nổi cộm
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí lúng túng trong triển khai, trong đó có công tác quy hoạch.
Ở phía Bắc, ngoài các xã điểm của Ban Bí thư, tính đến nay đã có thêm 32 xã đạt từ 16-18 tiêu chí. Đồng thời, đã có 950 xã vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ đã đạt từ 10 tiêu chí trở lên (chiếm khoảng 18%). Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, công tác quy hoạch và xây dựng đề án NTM còn chậm, chương trình xây dựng NTM ở phía Bắc còn nhiều vấn đề nổi cộm cần giải quyết.
Trong đó, đặc biệt, công tác chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn chưa có chuyển biến, nguồn vốn huy động còn hạn chế; thậm chí ở một số địa phương đã xuất hiện tư tưởng chạy theo thành tích.
Ông Võ Kim Cự- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Xây dựng NTM cần có tư duy mới để có cách tiếp cận mới, xây dựng cuộc sống mới”. Theo ông Cự, việc huy động vốn phải là tổng các nguồn lực từ ngân sách T.Ư, tỉnh, doanh nghiệp, người dân, những người con đi làm ăn ở trong và ngoài nước… để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; trong đó xác định sản xuất là gốc, là động lực để thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân.
Còn ông Trần Xuân Việt- Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá: “Trong xây dựng NTM, công tác đào tạo cán bộ có vai trò quan trọng, tiên quyết. Vì thế, cần phải có một đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, năng động, nhiệt tình và tâm huyết. Bởi có tiền mà cán bộ kém thì khó có thể hoàn thành trọng trách xây dựng NTM văn minh, hiện đại”.
Hữu Thông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn