Thưa ông, sau gần 5 năm thực hiện XDNTM, TP.HCM đã đạt được những kết quả nổi bật nào?
Ông Nguyễn Phước Trung: Chương trình XDNTM đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rất lớn của nhân dân, chỉ riêng việc hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các xã đã có hơn 8.000 hộ dân tham gia, hiến 841.000m2 đất, giá trị trên 710 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị từ tháng 6/2011- đến hết năm 2013 đạt trên 4.400 tỷ đồng, trong đó vốn vay tín dụng trên 2.500 tỷ đồng. Bình quân từ một đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay đã thu hút được 33 đồng vốn đầu tư trong xã hội, trong đó từ nguồn tín dụng là 19 đồng, từ vốn tự có trong dân là 14 đồng.
Gần 5 năm triển khai XDNTM, cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống, thu hút đầu tư trong cộng đồng; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; đời sống vật chất, tinh thần ở khu vực nông thôn rút ngắn dần khoảng cách với khu vực nội thành. Người dân được hưởng thụ nhiều hơn về đời sống văn hóa, môi trường xanh, sạch; quy chế dân chủ cơ sở ngày một mở rộng...
* TP đang triển khai nhiều giải pháp XDNTM, trong đó có giải pháp sáng tạo mang bản sắc riêng. Ông có thể chia sẻ về những cách làm này?
- Về cơ bản, các cơ chế chính sách do TP ban hành đều bám chặt vào các hướng dẫn của Trung ương, trong đó có một số nội dung được xây dựng cụ thể và chi tiết hơn nhằm phù hợp với đặc thù của nông thôn TP. Cơ chế hỗ trợ XDNTM vẫn đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc: “XDNTM phải do cộng đồng dân cư làm chủ, người dân phải là chủ, làm chủ; huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước”.
TP đã tổ chức ký kết thỏa thuận hỗ trợ, phối hợp “chung sức XDNTM”, gắn liền với giảm nghèo bền vững giữa các quận, các tổng công ty, Đảng ủy cấp trên cơ sở, UBMTTQ VN TP.HCM và Hội Nông dân TP với năm huyện. Song song đó, phát huy xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các quận, các doanh nghiệp và trong cộng đồng để cùng hỗ trợ, “chung sức XDNTM”, gắn liền với giảm nghèo bền vững, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM.
* TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ xem xét, đẩy nhanh việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Tại sao cần thiết phải có BHNN, thưa ông?
- Sản phẩm nông nghiệp là sản phẩm mang tính thời vụ và có tính đặc thù so với sản phẩm của các ngành kinh tế khác. Những năm thời tiết thuận lợi, ít dịch bệnh xảy ra thì thu nhập khá ổn định (với điều kiện giá cả không biến động nhiều). Nhưng những năm điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dịch bệnh xảy ra, thì người nông dân có thể trắng tay. Do đó, việc giảm tổn thất cho người nông dân bằng BHNN là rất cần thiết. Nắm được tầm quan trọng đó, TP đã kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm đẩy nhanh việc thực hiện BHNN.
Việc thí điểm mô hình BHNN giai đoạn 2011 - 2013 đã được Chính phủ ban hành tại quyết định số 315/QĐ-TTG. Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết chương trình thí điểm BHNN, rút kinh nghiệm để nhân rộng trên cả nước.
Lãnh đạo TP.HCM cùng đoàn công tác khảo sát mô hình nuôi tôm trong chương trình XDNTM ở huyện Cần Giờ
* Chương trình XDNTM đã thật sự khởi sắc, cuộc sống của nông dân thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều hộ dân cho rằng họ muốn học nâng cao nhiều hơn nữa thay vì dạy các khóa cơ bản như hiện nay...
- Việc dạy nghề theo các khóa cơ bản nhằm tạo nền tảng vững chắc cho người dân nông thôn trước khi học chuyên sâu. Do đó, sau khi học các khóa cơ bản, người dân muốn học nâng cao là một điều hợp lý, phù hợp với chủ trương chung. TP khuyến khích, hỗ trợ người dân nông thôn nâng cao trình độ thông qua đào tạo nghề.
Bên cạnh việc dạy nghề theo các khóa cơ bản, giai đoạn 2006 - 2010, TP cũng đã chỉ đạo Hội Nông dân TP phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các sở, ngành, quận huyện tổ chức cho nông dân đi học tập ở nước ngoài. Gần đây, UBND TP đã ban hành quyết định số 5804/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài giai đoạn 2013 - 2018, trong đó dự kiến tuyển chọn và đưa trên 100 lượt nông dân, xã viên hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và cán bộ quản lý tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số nước trong khu vực. Qua đó, nông dân có thể tiếp cận được những kỹ thuật tiên tiến nhằm phát triển nông nghiệp đô thị, thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế của ngành nông nghiệp TP.
* Ngoài những thành tựu về kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa ở nông thôn có được nâng cao?
- Có thể thấy, XDNTM nhằm phát triển nông thôn trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Riêng lĩnh vực văn hóa, bộ tiêu chí về nông thôn mới có khá nhiều tiêu chí liên quan, đặc biệt là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6), văn hóa (tiêu chí số 16). Ấp văn hóa, trung tâm văn hóa thể thao trên địa bàn 56 xã XDNTM đều được nâng cấp, trang bị đầy đủ, tạo được sân chơi lành mạnh cho các hoạt động vui chơi, giải trí, nhằm phục vụ tốt đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các lễ hội được chính quyền địa phương quan tâm, tổ chức thường niên. Ngoài ra, người dân nông thôn còn tham gia vào các ngành nghề truyền thống như đan đát, se nhang, làm bánh tráng… những ngành nghề này đang được chính quyền địa phương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển.
* Liệu có tồn tại tư tưởng nóng vội chạy theo thành tích? Nếu có, TP đã có những giải pháp phòng và khắc phục những tồn tại này?
- Chương trình XDNTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, gắn liền với thực tiễn đời sống người dân, trực tiếp ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, ngay từ giai đoạn đầu thực hiện, TP đã hết sức quan tâm chỉ đạo triển khai, phổ biến sâu rộng trên toàn TP, đến từng cấp chính quyền. Cấp TP có ban chỉ đạo của Thành ủy, cấp huyện có ban chỉ đạo của các huyện, cấp xã có ban quản lý của các xã, sự tham gia của cả hệ thống chính trị bao gồm các sở ban ngành, UBND các quận huyện, phường xã, UBMTTQ các cấp, các đoàn thể… Có thể khẳng định: với sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, sự tham gia tích cực của các ban ngành, huyện, xã, chương trình XDNTM TP đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Mặt khác, việc XDNTM đã được chỉ đạo thường xuyên, liên tục, không nóng vội, chạy theo thành tích mà phải hướng đến mục tiêu lâu dài là thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
* Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Mai (thực hiện)
Nguồn phunuonline.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn