VTNA2 “cháy” hàng…
Bà Thái Thị Hương (thôn Đông Huề, Vượng Lộc, Can Lộc) mấy hôm nay phải vất vả hết chạy ra các cửa hàng kinh doanh giống tận thị trấn, rồi lại hỏi bà con trong thôn để đổi lúa giống VTNA2 vì thiếu. “Bây giờ, chỉ có bà con tự để lại cho nhau thôi chứ hỏi mua ở đâu cũng không có. Đến ngày xuống giống rồi, nóng ruột lắm. Ban đầu, tôi định làm 2 sào lúa VTNA2, nhưng nay chỉ đổi được mấy kg nên chắc chỉ gieo cấy 1 sào, sào còn lại thay thế bằng giống khác”.
Thiếu giống, người dân chấp nhận mua giống ngoài cơ cấu canh tác vụ xuân 2018.
Còn chị Bùi Tuyết Mai (thôn Trung Sơn, Hồng Lộc, Lộc Hà) thậm chí còn phải lấy thóc thịt của vụ lúa vừa rồi để làm giống vì không thể mua nổi cân giống VTNA2 nào. Chị cho hay: “Vụ này, tôi định làm 4 sào VTNA2, mua giống ở đâu cũng không có, thời vụ “sát nút” rồi, tôi chỉ còn cách “xé lẻ” đồng ruộng, một nửa gieo cấy giống khác, nửa còn lại thì lấy thóc thịt của vụ vừa rồi làm giống”.
Không chỉ người dân, ngay các đơn vị cung ứng giống cũng không khỏi “đau đầu”. Tại cửa hàng kinh doanh Ông Hồng (thị trấn Can Lộc), cứ 3 người vào hỏi mua giống thì 2 người có nhu cầu VTNA2. Ông Võ Tá Hồng - chủ cửa hàng cho biết: “Giống VTNA2 đã khan từ lâu lắm rồi. Năm nay, tôi đặt hàng 80 tấn nhưng chỉ nhập về được 3,5 tấn, không đủ đáp ứng nhu cầu của bà con”.
Kể cả những đầu mối cung ứng lớn như Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cũng chỉ cam đoan cung ứng đủ cho các đơn vị đã ký hợp đồng, còn bán ngoài thị trường thì gần như không đáp ứng được vì số lượng nhập về chỉ đạt 1/3 so với kế hoạch mà công ty đã thống nhất với Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An trước đó.
Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật, hiện Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã cung ứng 200 tấn giống VTNA2 trên địa bàn Hà Tĩnh, tương đương 4.000 ha. Đặc biệt, sau sự cố của giống lúa Thiên ưu 8 hồi năm ngoái, nhiều địa phương chuyển sang gieo giống VTNA2, khiến nhu cầu về loại giống này tăng đột biến. Chỉ riêng Can Lộc, cơ cấu 50% diện tích là VTNA2 (hơn 4.000 ha), dù địa phương này đã chủ động một số lượng giống từ cánh đồng liên kết sản xuất ở 18 xã thì cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu.
“Lỗi” tại cơ cấu?
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật cho hay: “Về cơ bản thì giống vụ xuân không thiếu, chỉ thiếu VTNA2 ở một số địa phương. Năm nay, tỉnh cơ cấu bộ giống chủ lực gồm 12 giống lúa, nếu trong trường hợp khan hiếm thì các địa phương phải chủ động, chuyển đổi sang các loại giống trong cơ cấu có cùng thời vụ để phủ kín diện tích”.
Việc thay thế cơ cấu giống một cách đột ngột khiến người nông dân lúng túng, bị động trong sản xuất vụ xuân.
Vào thời điểm này, cơ bản các địa phương đã cân đối loại giống thay thế số diện tích thiếu VTNA2, và cam đoan đều đủ giống, phủ kín diện tích lúa xuân. Thế nhưng, việc thay thế cơ cấu giống một cách đột ngột, bị động có nguy cơ cao xảy ra “vỡ” cơ cấu. Việc sử dụng giống ngoài cơ cấu, thậm chí là giống đang sản xuất thử, giống khảo nghiệm không tuân thủ đúng quy trình, tiềm ẩn nguy cơ mất mùa, sâu bệnh gây hại…
Tại một cửa hàng kinh doanh giống trên địa bàn huyện Can Lộc, tất cả khách hàng có nhu cầu mua giống VTNA2 đều được chủ cửa hàng giới thiệu chuyển sang giống ADI 168. Được biết, giống này có tính chất, thời gian sinh trưởng tương đương VTNA2 do Công ty CP Đầu tư thương mại và Phát triển nông nghiệp ADI nhập, phân phối tại Việt Nam. Theo tìm hiểu, đây là giống đang được sản xuất thử trên địa bàn Hà Tĩnh. Đáng ra, nó không thể cung ứng qua kênh thương mại mà phải đăng ký qua cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức sản xuất có bảo hộ hợp đồng cho bà con nông dân (theo Quyết định 95 của Bộ NN&PTNT).
Phải nói rằng, việc khan hiếm giống trong bộ giống chủ lực có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiên lượng, khảo sát tình hình cung ứng của đơn vị sản xuất. Đó là chưa kể cách đây ít năm, chính VTNA2 cũng đã làm một vụ sản xuất lâm vào “thế bí” ở ngay thời điểm xuống giống vì chất lượng. Một giống lúa thiếu tính ổn định như VTNA2 có nên cân nhắc khi đưa vào cơ cấu chủ lực?
Theo Nguễn Oanh,Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn