Sau nhiều năm, nguồn lộc vừng cạn kiệt, việc buôn bán trở nên khó khăn, nhưng anh vẫn đam mê với các loại cây cảnh và trăn trở tìm cách làm mới để có thể sống với nghề. Anh lặn lội vào Nam, ra Bắc, lên vùng rừng núi học hỏi kinh nghiệm để đi đến một quyết định táo bạo: trồng phong lan.
Anh Sáng bên vườn lan nhà mình |
Năm 2007, vợ chồng anh bắt đầu san lấp đất vườn, xây hàng rào, đầu tư hệ thống giàn, ống tưới nước… và ngược xuôi tìm kiếm giống lan phù hợp khí hậu về trồng. Những khó khăn, thất bại buổi đầu giúp anh tích lũy kinh nghiệm, miệt mài chăm sóc vườn lan. Ban đầu chỉ vài ba giống lan rừng như phi điệp tím, lan sóc (còn gọi lan đuôi chồn), đến nay, vườn lan trên 1.000 m2 đã có hơn 2.000 gốc với 10 chủng loại: lan kiều, tam sắc bảo, quế, cẩm báo, bạch nhãn, hoàng nhãn…
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh bán dần một số loại và kiên trì tạo thế cho một số gốc lan khác để bán lâu dài. Mỗi gốc giá chênh lệch từ 400 nghìn - 5 triệu đồng tùy loại...
Anh Sáng cho biết: Lan chỉ phát triển tốt nhất trong mùa hè nhưng nhiệt độ không quá cao; hơn nữa, mỗi loại lại có yêu cầu ánh sáng, độ ẩm khác nhau. Mùa hè, Hương Khê thời tiết khắc nghiệt, có lúc nền nhiệt hơn 40oC khiến lan khô héo, mùa mưa cũng kéo dài, lượng mưa lớn. Bởi vậy, việc chăm sóc và xây dựng hệ thống giàn, lưới che chắn cần được chú trọng.
Anh Sáng chia sẻ thêm: “Đầu tư trồng lan quy mô cần nguồn vốn lớn, mà “vận mệnh” từng gốc cũng bấp bênh. Người trồng phải thực sự vững vàng tư tưởng, kiên trì, bền bỉ trong từng giai đoạn mới mong thành công”.
Chị Khôi - vợ anh Sáng chăm sóc lan thường ngày |
Không chỉ thế, để gốc lan tăng thêm giá trị thì phải biết cách tạo nhiều chồi, gốc dáng đẹp; đồng thời chọn thời điểm bán hợp lý. Có loại chỉ nở trong 2 tiếng nhưng cũng có loại 2-3 tháng. Để có những giỏ lan thay nhau nở quanh năm cũng là một hành trình miệt mài tìm hiểu của người trồng. Hiện nay, anh Sáng đang tiến hành chiết ghép một số loại lan với hy vọng tạo ra các giống lan quý.
Về đầu ra sản phẩm, anh Sáng cho biết: “Hiện nay, ở Hà Tĩnh, việc chơi lan, trồng lan tuy chưa phổ biến nhưng đã có nhiều gia đình mua để trang trí nhà cửa hoặc làm quà. Ở những thành phố lớn khác, lan lại là mặt hàng hiếm. Thị trường chính của tôi là Hà Nội, Sài Gòn, Nam Định, Hải Phòng… Khách hàng mới thì vào tận nơi mua, quen thì chỉ cần gọi điện đặt hàng. Nhiều lúc không có hàng để bán”.
Thời gian tới, gia đình anh Sáng tiếp tục mở rộng quy mô vườn lan, đồng thời đầu tư xây dựng cửa hàng và vườn lan giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thêm các giống lan quý hiếm. Nếu có sự hỗ trợ từ các chính sách vay vốn của Nhà nước, anh dự định mở thêm một vườn lan với diện tích 1-2 ha phục vụ nhu cầu thị trường.
HÀ THU
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn