ĐVTN Vũ Quang mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư xây dựng nhiều mô hình hiệu quả kinh tế cao. |
Chúng tôi gặp đoàn viên Lê Khánh Toàn (xã Đức Bồng) khi anh đã là chủ của một trang trại tổng hợp quy mô hơn 7 ha, với gần 1.000 gốc cam chanh, hàng chục con trâu bò, lợn rừng và hàng trăm con gà, vịt. Toàn chia sẻ, có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực bám đất, bám rừng, còn có sự giúp sức, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cấp bộ đoàn về kiến thức KHKT, nguồn vốn…, nhờ đó, anh từng bước vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường lập thân, lập nghiệp.
“Năm 2001, tốt nghiệp THPT, do không có điều kiện để học tiếp, tôi quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương vốn nhiều gian khó. Thời điểm đó, quỹ đất đồi, đất rừng ở Đức Bồng khá dồi dào, song phần lớn còn hoang hóa, tôi đã làm đơn xin cấp đất và mạnh dạn vay vốn ngân hàng, bạn bè để đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Trải qua những thất bại, đắng cay, đến nay, nỗ lực lập thân, lập nghiệp tại quê nhà đã bắt đầu đơm hoa, kết trái. Không chỉ đưa lại nguồn thu nhập gần 400 triệu đồng/năm mà mô hình của tôi còn mở ra hướng đi mới cho các ĐVTN ở địa phương mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế” - Lê Khánh Toàn chia sẻ.
Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Thanh Sơn, Vũ Quang hiện có 5.961 đoàn viên, trong đó ĐVTN nông thôn chiếm 43%. Thời gian qua, Huyện đoàn đã có nhiều chương trình hành động, nhằm khuyến khích, động viên thanh niên ở lại lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Sau nhiều năm phát động phong trào ĐVTN giúp nhau phát triển kinh tế, thông qua các kênh vay vốn, Huyện đoàn Vũ Quang đã tạo điều kiện cho 61 đoàn viên vay với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, hàng năm, các cấp bộ đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT trong sản xuất, chăn nuôi và cung ứng nhiều loại cây, con phù hợp. Nhờ đó, đến nay, đã có 57 mô hình thanh niên cho thu nhập cao. Đặc biệt, bám sát các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện trong chương trình xây dựng NTM, nhiều ĐVTN đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng đất đai sẵn có của địa phương, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao.
Điển hình trong số đó phải kể đến mô hình vườn đồi kết hợp chăn nuôi của đoàn viên Nguyễn Doãn Thập, Nguyễn Văn Tuấn (Đức Lĩnh), Nguyễn Quang Hưng (Ân Phú) cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, đoàn viên Nguyễn Trọng Thân (thôn Thanh Bình - xã Đức Lĩnh) là bộ đội xuất ngũ đã xây dựng mô hình trồng 700 gốc cam, chanh với tổng thu nhập mỗi năm ước tính 250 triệu đồng.
Để phong trào phát triển kinh tế đi vào chiều sâu, tạo động lực cho thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng, theo Phó Bí thư Huyện đoàn Vũ Quang - Nguyễn Thanh Sơn, thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền và đoàn cấp trên xây dựng các chương trình hành động giúp đỡ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn KHKT, định hướng đầu ra cho sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi, xây dựng mô hình theo hướng tập trung hàng hóa.
Ngô Tuấn
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn