ĐỨC THỌ: KHAI THÁC LỢI THẾ, SẢN XUẤT RAU MÀU SẠCH
300 ha sản xuất rau màu trong vụ xuân, cũng là diện tích được huyện Đức Thọ quy hoạch chuyên sản xuất rau màu ở tất cả các mùa trong năm. Trong đó bao gồm cả diện tích sản xuất theo mô hình HTX rau an toàn, và diện tích bà con nông dân trồng triả trong vườn hộ gia đình. Thị trấn Đức Thọ là địa phương có nhiều hộ chuyên sản xuất rau màu, chủ yếu tập trung ở tổ dân phố 1, tổ dân phố 2. Hiện ở 2 tổ dân phố này của Thị trấn có tới gần 100 hộ trồng rau, hộ nhiều thì gần 2 sào, hộ ít cũng từ 200 – 500 m2. Chủ yếu là trồng trong các vườn. Chỉ với diện tích khoảng 300 m2 đất vườn, gia đình ông Lê Văn Định – Tổ dân phố 1 Thị trấn đã tận dụng tối đa để trồng các loại rau phụ vụ ăn uống hàng ngày.Ông cho biết: Mùa nào rau ấy. Riêng từ trước tết đến nay, gia đình ông chuyên sản xuất rau xúp lơ, rau cải mầm, và một số loại rau thơm khác. Ông cũng là người đi tiên phong trong việc sử dụng bạt ni long che phủ rau mầm, nhằm hạn chế sự tác động của thời tiết. Từ mảnh vườn này, ngày nào gia đình ông Định cũng có từ 15 – 20 kg rau bán tại chợ hôm Thị trấn, thu nhập mỗi ngày trung bình từ 300 – 400 ngàn đồng.
Không chỉ gia đình ông Định, mà nhiều hộ trồng rau khác ở thị trấn Đức Thọ đều có thu nhập tương tự. Mỗi vườn sản xuất từ 3 – 5 loại rau, tùy theo nhu cầu thị trường và mùa vụ, mà người nông dân biết tự lựa chọn giống rau để trồng. Hầu hết các hộ đều cho biết, lấy công làm lãi, bởi trồng rau không mất nhiều vốn đầu tư. 100 ngàn hạt giống các loại cho mỗi sào, nhưng sau khoảng 1 tháng là có loại đã cho thu nhập, lợi nhuận cao gấp 10 – 20 lần, thời điểm giá rau đắt như trước, trong và sau tết nguyên, trung bình mỗi ngày, các hộ trồng rau ở Thị trấn có thu nhập từ 500 – 700 ngàn đồng/sào. Hiện nay, Thị trấn Đức Thọ đang tiếp tục động viên bà con nông dân mở rộng diện tích trồng rau tại vùng bãi bồi ven sông, xây dựng và thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn 1,5 ha.
Còn tại xã Tùng Ảnh, từ thành công của mô hình trồng bí xanh vụ thu đông 2015, vụ xuân này, địa phương tiếp tục chỉ đạo bà con nông dân sản xuất 1ha, trên vùng đất bãi trước đây trồng lạc, nhưng giờ không còn phù hợp. Từ thành công của năm trước, năm nay, xã Tùng ảnh hỗ trợ 100% chi phí mua hạt giống, bà con nông dân tự ươm bầu tại nhà, sau từ 10 – 15 ngày sẽ mang ra trồng. Hiện nay, bà con nông dân ở Tùng Ảnh đang làm đất chuẩn bị trồng cây. Được biết vụ thu đông 2015, xã Tùng Ảnh xây dựng mô hình trình diễn sản xuất bí xanh giống Nhật Bản Tara 888, với diện tích 1 ha. Có 15 hộ nông dân thôn Châu Tùng tham gia mô hình này. Bà Nguyễn Thị Dần – Thôn Châu Tùng – Xã Tùng Ảnh cho biết: Đây là giống bí cho năng suất, chất lượng cao, sinh trưởng khỏe, ưa nước. Qua 1 mùa trồng trên đồng đất của xã Tùng Ảnh, mô hình bí xanh cho giá trị kinh tế từ 300 – 350 triệu đồng/ha. Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, chúng tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mà dùng phương pháp thủ công là mật mía và giấm để diệt ong, ruồi đục nõn, và các loại sâu hại bí.
Vụ xuân 2016, ở huyện Đức Thọ có trên 15 xã, thị trấn giành quỹ đất tương đối lớn để sản xuất rau màu. Trong đó nhiều xã đã thành lập được HTX và tổ hợp tác sản xuất rau sạch và an toàn như: Thị trấn, Đức Yên, Tùng Ảnh, Liên Minh, Yên Hồ, Trung Lễ. Phụ thuộc vào điều kiện đất đai, mà mỗi địa phương lựa chọn các giống rau ngắn ngày hoặc dài ngày. Đối với các xã như: Trung Lễ, Đức An, Đưc Long, Đức Lập, mùa này bà con nông dân chủ yếu trồng hành tăm, kiệu, gừng lấy củ. Thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm. So với các loại cây trồng khác, trồng rau màu ở Đức Thọ hiện nay đang có nhiều ưu thế, đó là người nông dân yên tâm về đầu ra và giá cả ổn định./.
Theo Thanh Tình – Nam Thắng/Đức Thọ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn