Cũng như mọi năm, quan điểm chỉ đạo sản xuất vụ đông 2013 của huyện Đức Thọ vẫn là tập trung mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất nhằm né tránh thiên tai; tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp. Lấy giá trị trên một đơn vị diện tích làm tư tưởng chỉ đạo. Phấn đấu sản xuất vụ đông 2013 thắng lợi về cả diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở các đối tượng cây trồng, vật nuôi đã thực hiện có hiệu quả, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn; tạo thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa bền vững. Cơ cấu các loại giống có phẩm cấp cao như, giống ngô C919, BO6, 30Y87, MX2, MX4, MX6, VN2…; giống khoai lang KB1, KL15, chiêm dâu, chiêm bông; các loại bí xanh, đậu côve, dưa chuột, mướp đắng, hành, kiệu, bắp cải, su hào... cùng với ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất.
Bà con nông dân xã Trường Sơn (Đức Thọ) thu hoạch đậu hè thu. Ảnh: Tất Thắng |
Ông Nghiêm Sỹ Đông - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết, vụ đông năm nay, thời tiết được dự báo có thể khá thuận lợi. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện nâng cao chỉ tiêu, đẩy mạnh chỉ đạo và tạo mọi điều kiện để các địa phương tận dụng tối đa các diện tích có thể để sản xuất vụ đông với hiệu quả cao nhất. Đặc biệt là phân ra các vùng sản xuất để thuận lợi trong chỉ đạo như: vùng thượng Đức - trà sơn, vùng lúa, vùng ven thị trấn và vùng ven đê.
Sản xuất vụ đông năm nay được huyện gắn chặt với việc thực hiện đề án phát triển sản xuất trong xây dựng NTM, vì vậy, bên cạnh duy trì và phát triển các mô hình cũ đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế, Đức Thọ xây dựng thêm các vùng sản xuất mới như: bí xanh Nhật Bản, rau an toàn tổng hợp, rau an toàn có nhà lưới…
Huyện xây dựng hệ thống chính sách cụ thể và sát thực dựa trên quy mô và tính chất của các mô hình. Trong đó, mô hình sản xuất bí xanh với quy mô 5 ha được thực hiện trên địa bàn 5 xã: Trường Sơn, Đức Yên, Đức Lâm, Bùi Xá và Yên Hồ (mỗi xã 1 ha), được ưu tiên hỗ trợ cao nhất với 100% tiền giống (15 triệu đồng); 50% phân bón (trên 19 triệu đồng); tổ chức 5 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc (15 triệu đồng). Mô hình sản xuất rau an toàn có nhà lưới với quy mô 1 ha thực hiện tại cánh đồng Đầu Bàu - HTX Mai Hồ, thị trấn Đức Thọ với kinh phí xây dựng nhà lưới 600 triệu đồng. Trong đó, huyện hỗ trợ 40% kinh phí làm nhà lưới (240 triệu đồng); 100% kinh phí chuyển giao KHKT (6 triệu đồng).
Ngoài ra, các mô hình: trồng hoa, rau an toàn tổng hợp, đậu côve leo cũng có chính sách hỗ trợ xứng đáng. Tổng số kinh phí hỗ trợ ban đầu cho các mô hình sản xuất vụ đông năm nay của Đức Thọ là 471.100.000 đồng. Bên cạnh hệ thống chính sách của huyện, các xã, thị trấn cũng quan tâm đề ra các chính sách riêng của địa phương để khuyến khích bà con sản xuất; đặc biệt là chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất và tập huấn.
Bên cạnh đẩy nhanh thu hoạch lúa hè thu, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương đang tập trung bố trí diện tích, cơ cấu giống; chuẩn bị các loại vật tư, phân bón để tiếp tục gieo trỉa các loại cây trồng vụ đông đảm bảo cơ cấu, thời vụ và các chỉ tiêu kế hoạch. Sự tập trung quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất, cùng với chính sách hỗ trợ thiết thực từ huyện đến cơ sở đang tiếp sức cho người dân Đức Thọ sớm bắt tay vào vụ sản xuất mới. Đến thời điểm này, cây ngô đông đã gieo trỉa đạt gần 50% diện tích, nhiều cánh đồng của các địa phương, ngô đã lên xanh như Đức Lập, Đức An, Đức Lạc, Đức Lạng...
VŨ DŨNG
baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn