Từ con đường bê-tông bám lũ...
"Ðất Hương Sơn chẳng có năm mô không lụt. Mùa lụt, bão, những xã gần sông như Sơn Thịnh chúng tôi cơ cực nhất. Nước dâng, người thì thoát nhưng tài sản bị mất tăm khi nước tràn vào nhà...", Chủ tịch xã Lê Văn Cường dốc bầu tâm sự.
Sơn Thịnh là xã nằm sát bên bờ hữu ngạn sông Ngàn Phố nên mỗi năm, ít nhất cũng chịu một vài cơn lũ. Mưa thượng nguồn Hương Sơn càng to bao nhiêu, nước ngàn càng dâng lớn bấy nhiêu. Và lũ quét, những cơn sóng đỏ đục ngầu, kéo theo bao nhiêu phù du, rác rưởi lẫn trong tiếng bão gầm, gió hú liên hồi. Lũ quét nhiều lúc đến bất thần, có lúc năm giờ chiều, có lúc ba giờ sáng. Xã muôn đời truyền kiếp lũ dâng, nên hầu hết đàn ông, đàn bà sinh ra và lớn lên ở xứ sở này có ba điều phải tập: Tập mài bút nghiên đèn sách để có vị trí và chỗ đứng trong xã hội, thoát ly cảnh quê nghèo. Tập làm đủ mọi nghề để mưu sinh tồn tại ở nơi chôn nhau cắt rốn. Tập bơi để tự cứu mình và cứu người lúc hoạn nạn. Ba điều này người dân Sơn Thịnh "tu thân", không bao giờ bị phong hóa với thời gian. Mang tiếng là địa phương nghèo, đất nông nghiệp ít và lại thường hay bị lũ, thế nhưng Sơn Thịnh vẫn là xã đứng tốp đầu về giao thông nông thôn...
Ðã gần hai thập kỷ trôi qua, nhưng bà Mai vẫn không quên nhắc lại chuyện anh Ðặng Bính, một kỹ sư dầu khí ở thành phố Vũng Tàu đã tổ chức vận động hội đồng hương góp một tỷ đồng, giúp xã làm đường, riêng anh Bính ủng hộ hơn 200 triệu đồng. Một lần, anh Bính về quê ăn Tết, anh kéo thêm bạn bè đi thăm hỏi những người dân nghèo trong xã và tặng quà cho họ, nhất là những người bị mất hết tài sản trong lũ lụt. Hơn 1 km đường, khởi đầu ở thôn Thịnh Lợi thi công đạt chất lượng cao đã trở thành cú huých lớn cho một cuộc cách mạng giao thông nông thôn từ làng trên xóm dưới. Những người con xa quê đã thầm lặng đóng góp giúp quê hương làm đường bê-tông. Một câu chuyện cảm động khác khiến lớp hậu duệ mai sau nghe vẫn còn cảm động, đó là cụ Lê Tần đã ngoài tuổi tám mươi, một cán bộ quân đội nghỉ hưu, hằng tháng lặng lẽ tiết kiệm từ tiền lương của mình hơn 6 triệu đồng, góp cho thôn làm đường. Sự cống hiến ấy có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Bây giờ, trở lại xã Sơn Thịnh, đi dọc 16 thôn, thôn nào cũng trải dài những con đường bê-tông khang trang. Toàn xã hiện có hơn 17 km đường, riêng năm 2013, bà con nhiều thôn đã tự nguyện hiến 7.200 m2 đất và chặt đốn 5.800 cây các loại để làm thêm 1.150 m đường bê-tông mới.
... Ðến "tránh lũ tại nhà"
Chi cục trưởng Ðê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh Bùi Lê Bắc đưa tôi đi thị sát Sơn Thịnh làm nhà chòi tránh lũ. Sơn Thịnh là xã "cận thủy" nên được tỉnh Hà Tĩnh chọn và xây dựng 50 nhà chòi thí điểm, thực hiện theo Quyết định 716 của Chính phủ. Vừa đặt chân tới trụ sở, trời nắng như đổ lửa nhưng khi nghe Chủ tịch xã Sơn Thịnh Lê Văn Cường thông báo một tin vui: Sau một năm triển khai, các hộ đã làm bảo đảm chất lượng và đúng hồ sơ thiết kế. 50 hộ dân đã làm vượt mức diện tích sàn vượt lũ thấp nhất 10 m2. 32 hộ có diện tích vượt lũ từ 12 m2 đến 20 m2, giá trị từ 30 triệu đến 40 triệu đồng. 18 hộ có diện tích từ 21 m2 đến 36 m2, có giá trị từ 30 triệu đến 60 triệu đồng. Giá thành xây dựng trung bình thí điểm ở xã Sơn Thịnh là 35 triệu đồng/ngôi nhà chòi. Ðể hiểu rõ ngọn nguồn, những ngôi nhà chòi, đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Hữu Ðông nói: "Nếu xét trên bình diện rộng thì hàng trăm hộ gia đình ở đây đều phải làm kiểu nhà này. Bởi nó có nhiều tiện ích như cất giữ được lương thực, thực phẩm và vật dụng gia đình an toàn, không lo bão giật đổ và nước lên, kể cả cấp gió lớn nhất. Người và gia súc tránh lũ được tại nhà. Nhất là con số 50 gia đình được hưởng lợi từ sự hỗ trợ đặc biệt này, huyện Hương Sơn và chính quyền địa phương đã để dân bàn, dân bình và xét diện ưu tiên". Chuyện xây nhà chòi tránh lũ ở xã Sơn Thịnh đều được các thôn trưởng tổ chức họp bàn nghiêm túc. Qua kết quả được bà con bình xét hầu hết đều là những hộ chưa có nhà ở kiên cố, có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m đến 3,6 m, không những thế, họ còn có hoàn cảnh khó khăn nhất thôn.
Khi chính sách trên "đã quyết" và dưới "dân đã đồng", với việc thí điểm làm 50 ngôi nhà chòi tránh lũ, xã Sơn Thịnh đã huy động được vốn vay từ ngân sách trung ương 500 triệu đồng, vốn vay ưu đãi 500 triệu đồng, vốn huy động đóng góp từ các hộ gia đình hơn một tỷ đồng. Riêng hai nguồn vốn vay đã giải ngân hết.
Theo chân hai cán bộ chính quyền địa phương xã Sơn Thịnh, chúng tôi đã được mục sở thị ngôi nhà chòi tránh lũ của gia đình chị Ðặng Thị Nga, xóm Phúc Thịnh. Ðây là ngôi nhà được mọi người xem là sáng kiến hay trong việc biết cải tạo để sống chung với lũ an toàn. Với căn nhà cũ tầng một đã xây kiên cố, không cần phải xây móng, đập tường cứ thế dựng thêm tầng hai thành ngôi nhà chòi hiện đại. Theo bà con lối xóm kể, chị Nga là người phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương. Bao nhiêu bất hạnh dồn lên số phận chị, nhưng chị vẫn sống lạc quan vì được sưởi ấm bằng tình thương của mọi người.
Tâm sự với tôi, chị bảo: "Tui phải tằn tiện lắm mới nuôi nổi cháu đang học đại học. Chuyện xây nhà tránh lũ ni nếu không có sự giúp sức cộng đồng thì đời tui không bao giờ mơ tới". Bằng nguồn tiền được hỗ trợ, tiền vay chị nhẩm tính được khoảng 40 triệu đồng. Với 40 triệu đồng, ngôi nhà một tầng của chị được cải tạo thành ngôi nhà chòi hai gác, xếp được ngăn nắp các vật dụng sinh hoạt. Nơi nấu ăn, chỗ giặt giũ, giường nằm, tủ đựng quần áo đều thoáng mát sạch sẽ. Chị Nga bộc lộ niềm vui: "Bữa ni lũ chưa về, nhưng lũ về tui vẫn chẳng phải lo chạy tránh ở đâu xa."
Chị Hà Thị Quy ở thôn An Thịnh chia sẻ: "Ðể nhà chòi tránh lũ thật sự tiện ích, tôi làm luôn cả cầu thang vịn kiên cố và ngăn phòng để nhốt gia súc. Tui được mọi người động viên, nhất là các chú thanh niên, các chị em trong hội phụ nữ đến giúp tôi chở cát, sỏi và phụ nề mà không lấy công. Nhà tôi ngoài nuôi lợn còn nuôi sáu con dê nữa, dê đẻ mỗi năm hai lứa và dễ bán, nên cũng đủ tiền đong gạo nuôi con.
Ðến nay, xã Sơn Thịnh đã có 50 ngôi nhà chòi tránh lũ, bước "đột phá" đầu tiên với sự trợ giúp lớn của cộng đồng đã góp phần giảm đi sự căng thẳng, lo âu của các hộ nghèo ở xã Sơn Thịnh (Hương Sơn) mỗi khi lũ về. Nhà chòi tránh lũ là một sáng kiến hay, kinh phí không nhiều, nhưng bảo đảm an toàn về người và của khi mưa to, bão lớn gây ngập úng cục bộ, đây là mô hình cần được nhân rộng trong vùng và các tỉnh lân cận.
BÀI VÀ ẢNH: PHAN THẾ CẢI
Theo nhandan.org.vn