Gắn bó với nghề trồng Quýt hơn 10 năm nay, đến thăm mô hình trồng Quýt ngọt và cây Quýt bản địa của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Bắc Hà- xã Kỳ Lâm, những ngày này, gia đình bà đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch Quýt ngọt và cây Quýt bản địa. Với diện tích trang trại rộng hơn 2 ha, gia đình bà đã trồng hơn 2.000 gốc Quýt ngọt và Quýt bản địa. Bà cho biết; “ Nếu thời tiết thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi, bình quân mỗi năm có thể thu nhập hơn 70 triệu đồng”
Ảnh: Vườn Quýt của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh – thôn Bắc Hà – xã Kỳ Lâm – huyện Kỳ Anh.
Nhận thấy đất đai ở đây có đủ điều kiện phát triển mô hình Quýt ngọt và cây Quýt bản địa, gia đình ông Trần Văn Định ở thôn Bắc Hà – xã Kỳ Lâm đã trồng hơn 3 ha Quýt ngọt với hơn 2000 gốc. Với quyết tâm “phải làm bằng được” nên ông đã chịu khó học hỏi kiến thức trồng Quýt từ sách, báo và hơn hết là ông đã đúc kết được những kinh nghiệm rất quan trọng trong việc trồng, quản lý bệnh, chăm sóc cây Quýt. Khi đã đúc rút được kinh nghiệm, ông đã bắt tay vào công đoạn chăm sóc, cắt tỉa cành lá, bón phân đúng quy trình để cây nhanh phát triển trở lại. Sau 7 năm dày công chăm sóc, hiện nay, vườn Quýt ngọt của gia đình ông đang đến mùa thu hoạch. Ông cho biết; “ Trung bình 1 cây Quýt cho quả nhiều nhất từ 25 đến 30 kg/cây. Với 2000 cây, bình quân mỗi năm cho thu hoạch từ 70-80 triệu đồng là chuyện bình thường”
Ảnh: Vườn Quýt trĩu quả của gia đình ông Trần Văn Định – thôn Bắc Hà – xã Kỳ Lâm – huyện Kỳ Anh.
Không chỉ ở Kỳ Lâm, cây Quýt được trồng nhiều ở thôn Tân Tiến, Tiến Vịnh, Tiến Quang, Tiến Thượng, Bắc Tiến và Trung Tiến ở xã Kỳ Thượng. Có một đặc trưng là Quýt bản địa không thể sống độc lập mà bất di, bất dịch nó chỉ tồn tại và phát triển khi được sống chung với cả quần thể thực vật, nó luôn cần sự chở che của loài cây khác mà không cần quang hợp ánh sáng. Đặc biệt, khi được trồng xen kẽ với tranh, tre, khế, bưởi gió trầm là hết sức lý tưởng.
Theo ông Võ Văn Minh, chủ trang trại Quýt ở xã Kỳ Thượng mỗi gốc Quýt mỗi mùa có thể cho thu hoạch 20 thúng quả, mỗi thúng có trọng lượng khoảng 12kg, mỗi kg 01kg có giá trung bình bán tại gốc khoảng 20.000 đồng. Với vườn Quýt hiện tại gia đình ông đang sở hữu, một mùa có thể cho thu hoạch từ 30 tấn đến 40 tấn quả. Như vậy, riêng thu nhập từ quả, mỗi mùa cũng có thể đem về được cho gia đình nhà ông từ 70 triệu đến 90 triệu đồng. Chưa kể mỗi mùa cây Quýt còn cho thu hoạch từ 1,5 đến 2 tấn vỏ. Nhờ có vườn Quýt mà vợ chồng ông có thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình.
Ảnh: Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh – ở thôn Bắc Hà –xã Kỳ Lâm- huyện Kỳ Anh đã thu hoạch vỏ Quýt.
Thực tế cho thấy, Quýt là loại cây dễ trồng và hầu như khắp mọi nơi, Quýt còn được chưng trong mâm ngũ quả ngày Tết của nước ta hay được trồng trong chậu trang trí thể hiện sự phồn vinh thịnh vượng. Cây Quýt là một cây nhỏ, lá mọc so le, mép có răng cưa nhỏ mau, lá nhẵn thơm, vỏ cây cũng có mùi thơm. Hoa nhỏ màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả hình cầu, hai đầu dẹt, khi chín màu vàng cam đỏ, vỏ mọng, nhẵn bóng, hơi lồi lõm dễ bóc, trong có những múi xếp hình nan hoa bánh xe. Khi chín ăn ngọt ngon. Trong múi có chứa nhiều hạt. trên thực tế hiện nay khó có nhiều loại quýt như Quýt ngọt, Quýt chua, Quýt xốp….. nhưng tất cả các loại quýt vỏ quả đều dùng làm thuốc được.
Ảnh: Những vườn Quýt trĩu quả ở Kỳ Lâm – huyện Kỳ Anh
Nhận thấy cây Quýt mang lại hiệu quả kinh tế cao nên hiện nhiều gia đình ở các xã vùng thượng Kỳ Anh tiếp tục trồng mở rộng mô hình theo hướng trang trại. Đây là mô hình không mới song đưa lại hiệu qủa kinh tế cao, tăng thu nhập cho bà con./.