Có thẻ BHYT, người nghèo yên tâm hơn khi KCB. Ảnh: TL |
Theo phê duyệt của UBND huyện, tổng số người thuộc hộ gia đình cận nghèo năm 2012 trên địa bàn huyện là 16.650 người, trong đó, số người cận nghèo đã có thẻ BHYT 4.500 người. Như vậy, số người chưa có thẻ cần vận động: 12.150 người. Và tính đến ngày 25/10/2012, toàn huyện đã có 10.472 người thuộc đối tượng này có thẻ BHYT, chiếm tỷ lệ 86%, vượt xa so với tỷ lệ bình quân cả tỉnh. Một kết quả đáng ghi nhận.
Ông Trần Danh Hướng, Giám đốc BHXH huyện, cho biết: “Để có thành tích trên trong điều kiện của một huyện nghèo và khó khăn chung như hiện nay là kết quả của sự chỉ đạo, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện có trách nhiệm của các cấp, các ngành... trong toàn huyện...Về công tác chỉ đạo, chúng tôi đã tham mưu để Ban thường vụ Huyện ủy ban hành chỉ thị về công tác BHXH, BHYT, trong đó tập trung về BHYT học sinh và BHYT cận nghèo; tham mưu để UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho các xã. Từ chỉ tiêu đó, hàng tháng UBND huyện đều gửi kết quả để đôn đốc các xã triển khai thực hiện. Riêng đối với những đơn vị có kết quả đạt thấp, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối văn xã chỉ đạo trực tiếp đối với chủ tịch UBND xã qua điện thoại. BHXH huyện cũng đã tham mưu đưa nội dung triển khai thực hiện BHYT học sinh, BHYT cận nghèo vào chương trình công tác của đoàn công tác chỉ đạo địa phương của huyện.
Theo chúng tôi, cách cập nhật kết quả hàng tháng rồi qua đó chỉ đạo trực tiếp đối với những địa phương đang có kết quả thấp không chỉ nhắc nhở lãnh đạo các xã biết được kết quả thực hiện của xã mình, mà còn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên đối với cấp dưới trong việc thực hiện một nhiệm vụ quan trọng. Và cũng qua đó, lãnh đạo cấp trên nhận được những thông tin phản hồi từ cơ sở để có sự chỉ đạo kịp thời trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Một yếu tố nữa giúp Lộc Hà thành công là công tác tuyên truyền ở đây được thực hiện khá hiệu quả. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác BHYT của ngành BHXH trên hệ thống truyền thanh 13/13 xã và sóng truyền thanh của huyện trong thời gian qua đã có tác dụng tích cực đến mọi người dân, trong đó có đối tượng thuộc diện cận nghèo. Không chỉ tuyên truyên trên hệ thống truyền thanh cơ sở, BHXH huyện còn in 17.000 tờ rơi quy định về quyền lợi, trách nhiệm và mức hỗ trợ của người cận nghèo tham gia BHYT. Điều này rất quan trọng đối với đối tượng thuộc diện cận nghèo. Bởi qua đó, đối tượng hiểu được mức đóng của từng thành viên trong hộ và nếu 100% số thanh viên trong hộ tham gia thì số tiền phải đóng là không đáng kể so với mua BHYT tự nguyện. Theo cán bộ BHXH huyện, tại những xã có tính đặc thù, khó khăn, nhiều hộ thuộc diện cận nghèo, huyện còn cử cán bộ xuống phối hợp với địa phương để trực tiếp tuyên truyền.
Tìm hiểu tại một số địa phương có số người tham gia đạt tỷ lệ cao (trên 90%)như: Thạch Bằng (1.500 người), Hồng Lộc(1.521 người), Phù lưu(1.300 người), vv…, được biết, những xã này đã có những cách làm cụ thể cho hiệu quả tốt. Theo cán bộ những xã trên, bên cạnh việc BHXH huyện phân công cán bộ phụ trách theo địa bàn và bám sát lãnh đạo địa phương để triển khai thực hiện, xã còn tổ chức họp toàn bộ hộ gia đình cận nghèo để phổ biến. Và khi có danh sách, BHXH tổ chức cấp phát thẻ BHYT kịp thời và đảm bảo quyền lợi KCB cho đối tượng.
Bài học kinh từ Lộc Hà, theo ông Trần Danh Hướng, Giám đốc BHXH huyện là: Có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện; xây dựng được một mạng lưới đại lý thu tại các xã thật sự tâm huyết và có trách nhiệm; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo để đôn đốc triển khai thực hiện; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền để đưa thông tin đến cho người dân; tạo được niềm tin trong công tác cấp thẻ BHYT, công tác khám chữa bệnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn