Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ở huyện Thạch Hà đã giành được một số kết quả nhất định. Đến nay đã có 5 xã đạt chuẩn về đích nông thôn mới. Trong năm 2016 này, Thạch Hà đang nỗ lực phấn đấu, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất, huy động tổng lực sức dân cũng như sự hỗ trợ của các cấp, các ngành cấp trên, sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền các địa phương để đưa 4 xã là Thạch Khê, Thạch Liên, Thạch Đài và Thạch Kênh cán đích nông thôn mới, đồng thời phấn đấu không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, lấy sức dân để lo cho dân, Nhà nước là vai trò bà đỡ cho chương trình. Chính vì vậy công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu, người dân thấy được họ là chủ thể, và lợi ích thiết thực của thành quả về xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng chính người dân là đối tượng hưởng thụ thành quả ấy. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền vận động qua các kênh thông tin đại chúng, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh xã, tuyên truyền thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hội nghị, hội thảo... đã từng bước làm thay đổi tư duy nhận thức và hành động của mỗi người dân. Đặc biệt công tác này đã được đẩy mạnh hơn một bước kể từ năm 2014, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, thực hiện đồng bộ các giải pháp, vận động nhân dân cộng đồng chung tay xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú. BCĐ nông thôn mới huyện đã phát động các phong trào điển hình như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, Phòng trào “Toàn tỉnh chung tay xây dựng nông thôn mới”, phong trào ‘Xây dựng môi trường nông thôn xanh sạch đẹp”, Phong trào “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới”, phong trào “ 100 ngày cao điểm xây dựng nông thôn mới”… tổ chức các hội thi “Nông thôn ngày mới”, “Nhà nông đua tài”… kết hợp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực điều phối, chiếu phim tài liệu, phát thanh, treo các băng rôn khẩu hiệu …
Có thể nói công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng của huyện đã được các cơ quan chức năng phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền. Riêng trong 9 tháng từ đầu năm đến nay, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện đã xây dựng 37 phóng sự, 633 tin, bài viết về các phong trào thi đua, các mô hình điển hình, những cách làm hay, mới có tính sáng tạo và những đơn vị làm tốt có tính đột phá để đăng tải trên các báo từ Tung ương đến địa phương, trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và hệ thống phát thanh huyện đến tận hệ thống truyền thanh xã, thị trấn về phong trào xây dựng nông thôn mới, qua đó nhằm cổ vũ động viên phong trào để nhân rộng. Huyện cũng đã tổ chức in ấn, phát hành 35.000 tờ rơi về tiêu chí nông thôn mới, khu dân cư mẫu, vườn mẫu, 850 cuốn sách; Tổ chức 44 cuộc tuyên truyền (trong đó có 15 cuộc tuyên truyền lưu động và Show game “Nông thôn ngày mới”; tổ chức 7 cuộc tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đi đôi với công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức thì việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng điều phối, phát triển sản xuất cũng được các ngành, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... theo từng đầu mối tổ chức của mình để triển khai, tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng tổ chức điều hành, kỹ năng vận động và triển khai thực hiện. Tính đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 11 lớp tập huấn kỹ năng điều phối, tư vấn viên xây dựng mô hình, 120 giá trị sống trong xây dựng nông thôn mới, kiến thức quản trị kinh doanh, tiếp cận thị trường cho các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn cho hơn 640 học viên; 41 lớp tập huấn, phổ biến chính sách nông nghiệp, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu cho hơn 4.920 học viên; Phối hợp tổ chức 227 lớp tập huấn cho hơn 11.280 lượt người tham gia về các nội dung như: Kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; Hướng dẫn thành lập HTX, tổ hợp tác; Quản lý an toàn dịch bệnh nuôi cá lồng bè; Kỹ thuật sản xuất nấm; Tập huấn khởi nghiệp kinh doanh; Tập huấn cân bằng giới tính; Tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, bảo vệ thực vật... Tổ chức 13 lớp đào tạo tạo cho các cán bộ chủ chốt cấp xã và cấp thôn cho 1.266 học viên; cử 16 đồng chí cán bộ huyện tham gia 02 khóa đào tạo báo cáo viên cấp huyện; Phối hợp tổ chức 75 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nội dung: kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, kỹ thuật trồng nấm, may công nghiệp... cho 2.625 lượt người tham gia. Tổ chức khâu nối, kêu gọi các con em xa quê thành đạt, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới.
Một góc khu hành chính xã Phù Việt
Một trong những hoạt động vừa có tính tuyên truyền sâu rộng vừa có hiệu quả thiết thực trong thời gian qua đó là phong trào “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới”. Được phát động từ tháng 4/2015 với mục tiêu tạo phong trào khí thế, thu hút đông đảo cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng thực hiện. Theo đó, ở huyện thành lập các các đoàn công tác chỉ đạo, phụ trách các xã; ở các xã thành lập các đoàn công tác chỉ đạo các thôn xóm; đến thứ 7 hàng tuần các thôn xóm đăng ký nội dung công việc ra quân làm nông thôn mới với các phần việc như: làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; xây rãnh thoát nước trong khu dân cư; phát quang hành lang lưới điện, hành lanh an toàn giao thông; làm nhà ở cho hộ nghèo; cải tạo vườn tạp… Tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của huyện, xã về với cơ sở vừa chỉ đạo, hướng dẫn, vừa xắn tay, hòa cùng người dân tham gia xây dựng các công trình trong chương trình nông thôn mới theo địa bàn phụ trách... Ban Chỉ đạo NTM huyện theo dõi việc thực hiện và có tổng kết đánh giá hàng quý, lựa chọn những cá nhân xuất sắc biểu dương, khen thưởng. Mỗi tuần một đợt, đến nay đã tổ chức 67 đợt ra quân và đã huy động 567.000 ngày công, riêng cán bộ ở cấp huyện và xã đã có 64.000 lượt người tham gia, nạo vét, đào đắp 784,992 km kênh mương nội đồng; xây dựng 20,64 km mương thoát nước thải khu dân cư; phát quang giải tỏa 803km hàng lang giao thông; di dời 5 km hàng rào xây, 55.079 cây gỗ tạp; hiến 8.912 m2 đất; làm 11 km bồn trồng cây hàng rào xanh; chỉnh trang cải tạo 1.289 vườn tạp; trồng 33.489 cây bóng mát; cắm 8.800 cột mốc...
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Thạch Hà thời gian qua đã xuất hiện nhiều đơn vị có những các làm hay, nhiều tập thể, cá nhân đã đóng góp bằng sức người sức của, hiến kế, hiến công, hiến đất, hiến vườn. Họ đã hy sinh một phần về vật chất của bản thân, gia đình mình để cho chính quyền địa phương xây dựng phong trào. Điển hình là các đơn vị như Thạch Đài, Thạch Tân, Thạch Văn,Thạch Long, Tượng Sơn... Từ trước tới nay, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn liên xã, liên thôn thường nhỏ hẹp và ngoằn nghoèo uốn khúc, vừa ảnh hưởng đến mỹ quan nông thôn, vừa không đảm bảo an toàn cho nhân dân trong việc giao thương, đi lại. Công tác giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông sẽ luôn gặp khó khăn khi mà người dân chưa đồng thuận. Tuy nhiên khi họ được tổ chức tuyên truyền, vận động, họ nhận thức hơn về việc đóng góp sức người sức của của mình cho công cuộc xây dựng nông thôn mới như một nghĩa lớn và có tính lan tỏa sâu rộng trong cả cộng đồng thì không ai khác, cũng chính những hộ dân ở gần các tuyến đường lại tự nguyện hiến hàng chục, thậm chí hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông mà không hề có một chút so đo tính toán thiệt hơn. Đây cũng chính là biểu hiện của hiệu quả thiết thực từ công tác tuyên truyền, vận động.
Về với xã Thạch Kênh trong thời gian này - một trong những địa phương được huyện chọn để về đích trong năm 2016, với không khí rộn ràng, khẩn trương của cả hệ thống chính trị đang ra sức thi đua lao động, với quyết tâm nỗ lực cao nhất để hoàn thành các tiêu chí còn lại vào cuối năm nay. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thiện Chung, chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ đầu năm, khi được huyện chọn để xây dựng điểm về đích nông thôn mới, lúc đó xã mới chỉ đạt 8 tiêu chí. Tất cả các phần việc đang ngổn ngang và bộ bề những khó khăn. Và điều khó khăn nhất vẫn là tư tưởng của đại đa số bộ phận nhân dân còn hoài nghi về tiềm lực, về khả năng cán đích của địa phương. Nhưng rồi từ phong trào chung của huyện, thông qua bằng nhiều hình thức, xã đã tổ chức họp, quán triệt, thống nhất trong toàn Đảng bộ, thành lập các tổ công tác, phân công trách nhiệm cụ thể để ngoài việc tổ chức tuyên truyền tập trung trên kênh loa phát thanh của xã, tại các hội nghị, hội thảo,... các tổ còn đến tận từng xóm, từng hộ gia đình tập trung tuyên truyền vận động, kêu gọi con em xa quê vừa hỗ trợ về vật chất, vừa tác động về mặt tinh thần để các hộ còn gặp khó khăn về tài chính xây dựng các công trình như cổng, hàng rào, khu dân cư mẫu và đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi...
Một góc nông thôn mới ở Thạch Tiến
Khi nhận thức của cán bộ và nhân dân thay đổi theo chiều hướng tích cực thì việc huy động kêu gọi mọi sự đóng góp được diễn ra khá thuận lợi. Từ đầu năm đến nay Thạch Kênh đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn ngân sách tỉnh, huyện và xã là 6 tỷ đồng, số còn lại là do huy động các nguồn xã hội hóa và nhân dân đóng góp. Riêng tuyến đường nối từ thôn Trí Nang đến thôn Thượng Nguyên có chiều dài gần 3km, sau khi được nhà nước hỗ trợ toàn bộ xi măng, xã đã huy động nhân dân đóng góp ngày công và phương tiện, máy móc thiết bị, đã hoàn thiện tuyến đường chỉ trong một thời gian ngắn có cả hệ thống cây xanh hai bên đường, với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Trong khi đó theo tính toán, nếu tuyến đường này được đưa ra đấu thầu phải mất gần 10 tỷ đồng theo giá hiện tại. Như vậy việc huy động sức dân, để người dân trực tiếp tham gia, vừa tổ chức giám sát đã góp phần giảm các khoản chi phí phát sinh, tiết kiệm ngân sách gần 7 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này (Tháng 9-2016) xã Thạch Kênh đã hoàn thành 14 tiêu chí. Cũng theo ông Nguyễn Thiện Chung, thì các tiêu chí còn lại cơ bản đã đạt trên 80% khối lượng công việc gồm tiêu chí đường giao thông, môi trường, hệ thống chính trị, cơ sở vật chất văn hóa, khu dân cư mẫu,...đang được địa phương gấp rút hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra.
Một góc nông thôn mới Thạch Kênh
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở huyện Thạch Hà đang diễn ra khá sôi nổi và rầm rộ đồng thời đưa lại hiệu quả thiết thực. Bài học lớn nhất trong công tác tuyên truyền vận động ở huyện Thạch Hà đó là vai trò của các cấp ủy chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách đồng bộ, đều tay. Công tác tuyên truyền là một trong những việc làm hết sức quan trọng, vừa lâu dài, thường xuyên và bền bỉ, và khi người dân đã nhận thức cao hơn về việc xây dựng nông thôn mới là việc làm của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể, và cũng chính người dân là đối tượng hưởng lợi từ thành quả ấy, nhà nước chỉ đóng vai trò như một bà đỡ để biến sự hỗ trợ về tài chính chỉ là cú hích khuyến khích các phong trào thì các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới sẽ thực sự bền vững./.
Theo Lê Hữu Đồng/thachha.hatinh.gov.vn