Manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững là những bất cập của nền sản xuất nông nghiệp hiện nay. Vì vậy, giải pháp tối ưu là phải kiến thiết lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung, tạo sự liên kết "4 nhà", đặc biệt thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất.
Thành công từ “Cánh đồng mẫu lớn” ở Cẩm BìnhChương trình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) do Bộ NN & PTNT phát động trong gần 1 năm qua đã có những thành công bước đầu trên nhiều địa phương trong cả nước; bước đầu cho thấy xu thế tất yếu của sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là giải pháp thiết thực nhất cho sản xuất trồng trọt nói chung và cho sản xuất lúa nói riêng.
|
“Cánh đồng mẫu lớn” Cẩm Bình là tiền đề mở rộng mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. |
Vụ hè thu vừa qua, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) – xã truyền thống 4 lần anh hùng một lần nữa lại nổi tiếng cả nước khi triển khai thực hiện thành công việc gieo cấy cùng một loại giống chất lượng cao VTNA-2 trên diện tích 426 ha (chiếm 95,7% diện tích toàn xã). Đây là cánh đồng mẫu lớn nhất tỉnh theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa được ký kết giữa UBND xã Cẩm Bình và Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An.
Qua quá trình thực hiện cho thấy, đây là loại giống chất lượng, có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 90- 95 ngày); chống đổ tốt; ít sâu bệnh. Đặc biệt, với việc thực hiện một giống lúa trên cùng một cánh đồng đã giúp trà lúa trổ tập trung và cho năng suất vượt trội so với các giống trên địa bàn từ 45-50 kg/sào, đạt 57 tạ/ha. Trừ chi phí, mỗi ha lúa cho thu lãi trên 9 triệu đồng khiến cho bà con nông dân ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.
Điều mà bà con nông dân Cẩm Bình yên tâm đăng ký, tham gia triển khai “dự án” này đó chính là sự tham gia ngay từ đầu của doanh nghiệp. Vừa đứng ra cho nông dân vay mua phân bón theo hình thức tín chấp, Tổng công ty CP VTNN Nghệ An vừa là đầu mối thu mua sản phẩm với cam kết cao hơn giá thị trường 10%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, việc xã Cẩm Bình tiên phong xây dựng CĐML, có sự liên kết với doanh nghiệp theo mô hình khép kín từ sản xuất, quy trình kỹ thuật đến đầu ra cho sản phẩm là nhân tố quan trọng, là tiền đề mở rộng mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 CĐML có quy mô từ 5 - 10 ha và lớn nhất là 426 ha, được quy hoạch liền vùng liền thửa và tuân thủ quy trình canh tác nghiêm ngặt. Theo thống kê của ngành chuyên môn, hơn 30% giống lúa hè thu này là những giống lúa chất lượng, có giá trị thương phẩm cao. Đây là tín hiệu vui khi tư duy sản xuất đã bắt đầu thay đổi, gắn với sản xuất gạo chất lượng là cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết “4 nhà”.
Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng, mô hình CĐML là bước đột phá của ngành nông nghiệp khi nhà nông được áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến làm gia tăng năng suất, chất lượng hạt lúa, tăng thu. Thực hiện sản xuất lúa theo mô hình CĐML là quy trình khép kín sản xuất với sự liên kết của 4 nhà. Trên cơ sở hoạch định chính sách của địa phương, sự hỗ trợ về kỹ thuật của nhà khoa học, các doanh nghiệp sẽ tham gia thực hiện cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng như bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Từ việc vận động nhà nông liên kết tạo ra các cánh đồng rộng lớn, việc đầu tư khoa học, kỹ thuật, thủy lợi nội đồng, vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất lúa, khâu vận chuyển, chế biến… được thực hiện đồng bộ. Ngoài ra, sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ được thay đổi hài hòa hơn chứ không “đối đầu” như trước.
Đến mô hình liên kết chăn nuôi tập trungCùng với thành công từ “Cánh đồng mẫu lớn” Cẩm Bình, thời gian qua, Hà Tĩnh đã thực hiện thành công nhiều mô hình chăn nuôi lợn tập trung có sự liên kết của doanh nghiệp. Mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc tập trung của gia đình anh Phạm Văn Đức ở xã Hương Minh, huyện Vũ Quang là một trong những điển hình thành công của sự liên kết đó.
Năm 2011, anh Đức đã mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại qui mô, hiện đại và nhận nuôi gia công 500 con lợn siêu nạc cho Công ty CP chăn nuôi Mitracô (Tổng công ty KS&TM Hà Tĩnh). Từ lứa lợn nuôi gia công được áp dụng công nghệ chăn nuôi khoa học theo công nghệ Thái Lan sau 3,5 tháng nuôi, gia đình anh đã thu về lãi ròng hơn 40 triệu đồng. Điều anh Đức yên tâm khi đầu tư chăn nuôi, đó là được Công ty bao tiêu toàn bộ các khâu: con giống, kỹ thuật, thức ăn và đầu ra.
|
Mô hình chăn nuôi lợn tập trung ở Hương Minh với sự liên kết “4 nhà”. Các bên tham gia đều hưởng lợi ích cao nhất. |
Là đơn vị tiên phong trong quá trình đồng hành cùng địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM, Tổng Công ty KS&TM được tỉnh tín nhiệm giao cho trọng trách là lực lượng nòng cốt trong thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Sự hỗ trợ đắc lực về vốn và con giống theo hình thức liên kết của Tổng công ty đã giúp nhiều hộ dân có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Từ một vài mô hình thí điểm ban đầu, đến nay đơn vị đã xây dựng được 31 mô hình chăn nuôi lợn vệ tinh trên toàn tỉnh có quy mô từ 250 – 1.000 con/lứa.
Cùng với liên kết trong chăn nuôi với Công ty CP chăn nuôi Mitracô, hiện nay, nhiều hộ đã liên kết với một số công ty ngoài tỉnh, ngoài nước để thực hiện dự án chăn nuôi lợn, như liên kết với công ty sản xuất thức ăn gia súc Việt Pháp, công ty chăn nuôi CP của Thái Lan… Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, sản lượng xuất chuồng thịt hơi các loại tăng nhanh. Năm 2011, đạt 65.000 tấn, tăng 1,43 lần so với 2005.
Người dân cần nắm bắt cơ hộiCó thể nói, Hà Tĩnh là địa phương có khá nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô lớn. Có thể kể đến QĐ 24 về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015; QĐ 26 về hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn Chương trình MTQG NTM; QĐ 43 về chính sách khuyến khích sản xuất giống phát triển một số sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2012 - 2015.
Cùng với việc ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020. Trong đó, 2 sản phẩm: lúa hàng hóa và lợn đến năm 2015 đạt 218.100 tấn (đối với lúa); 104.400 tấn (đối với thịt lợn hơi xuất chuồng).
Những chính sách mà tỉnh đã ban hành hết sức thông thoáng, cởi mở, là đòn bẩy, là cơ hội lớn để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dám đột phá trong sản xuất chăn nuôi; biến những cánh đồng, khu chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún thành những cánh đồng lớn, qui mô sản xuất mang tính hàng hoá, tập trung, chuyên canh cao.
Thanh Hoài
Báo Hà TĨnh