Người thắp sáng làng quê… (Thạch Mỹ – Lộc Hà)
Thôn Hà Ân có 2 trục đường chính và 5 đường nhánh với tổng chiều dài khoảng 4,5 km. Hầu hết các trục đường đều đã được bê tông hóa theo chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên hệ thống điện chiếu sáng trên các trục đường vẫn là niềm mơ ước của bà con trong nhiều năm qua.
Mặc dù điều kiện kinh tế chưa khá giả nhưng trước nhu cầu bức thiết đó, đầu năm 2014, ông Lê Tiến Dũng đã bỏ tiền lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên các trục đường ngõ xóm của thôn gồm: 70 bóng, chao đèn, dây điện, công tắc với tổng chi phí trên 30 triệu đồng. Không chỉ đầu tư hệ thống vật tư, ông Dũng còn “bao” luôn cả phần tiền điện với mức bình quân 700 nghìn đồng/tháng. Đặc biệt, việc làm của ông được gia đình hết sức ủng hộ.
Ông Dũng cho biết, trong 3 năm đầu, ông nhận trách nhiệm trả tiền điện hàng tháng đối với hệ thống chiếu sáng trên các trục đường. “Nếu các năm tiếp theo, ông trời còn cho sức khỏe để làm việc thì có thể tôi sẽ tiếp tục “bao” tiền điện cho bà con” – ông Dũng vui vẻ nói.
Để hệ thống chiếu sáng đảm bảo chất lượng, ông Dũng tự mình đến các xưởng cơ khí, cửa hàng đồ điện uy tín đặt làm chao đèn, cần đèn và các vật tư khác. Được sự trợ giúp của bà con lối xóm và thanh niên tình nguyện của xã, chỉ trong vòng 5 ngày, việc lắp đặt 70 bóng đèn tại các ngõ xóm đã hoàn thành. Nếu đi riêng 1 đường dây dẫn khắp các trục đường sẽ rất tốn kém (khoảng 4,5 km dây), vì vậy, ông Dũng đề xuất với các hộ dân có vị trí gần điểm lắp bóng đèn đồng ý cho kéo điện từ trong nhà. Những hộ dân đó có trách nhiệm bật đèn từ 6h chiều – 5h sáng hôm sau. Hàng tháng, ông trả mỗi hộ dân có bóng đèn thắp sáng công cộng 10 nghìn đồng.
Đầu năm 2014, ông Lê Tiến Dũng đã bỏ tiền lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên các trục đường ngõ xóm của thôn dù gia đinh chủ yếu sống bằng nghề làm chổi đót |
“Một bóng đèn compact 20W thắp mỗi đêm 10 tiếng đồng hồ thì mỗi tháng cũng chỉ hết 6.000W, tương đương 8.400 đồng. Ông Dũng đưa 10 nghìn thì nhà tôi vẫn còn “lời”. Nếu không bật, tắt đèn đúng giờ, chúng tôi thấy có lỗi với ông Dũng” – một người dân trong xóm nói. Cũng chính vì vậy, nên hệ thống chiếu sáng “tự quản” của thôn Hà Ân luôn được các hộ dân chấp hành bật, tắt đúng giờ.
“Việc ông Dũng tài trợ lắp đặt hệ thống chiếu sáng và đặc biệt là hàng tháng trả tiền điện cho bà con thôn xóm là tấm gương sáng, cổ vũ nhân dân địa phương cùng thi đua chung tay xây dựng NTM”, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ – Võ Tá Hiếu nói.
Ông Phan Văn Luân – Trưởng thôn Hà Ân, cho biết: “Hầu hết các hộ dân ở đây đều tham gia sản xuất chổi đót. Từ 4h sáng, bà con phải đi bán hàng và mua nguyên liệu ở các vùng xa, nhiều khi 9-10h đêm mới về. Vì vậy, việc duy trì đèn chiếu sáng trên các đường ngõ xóm vào những giờ này rất có ý nghĩa đối với người dân. Hệ thống đèn chiếu sáng ngõ xóm của ông Dũng không chỉ thuận lợi, đảm bảo ATGT, ANTT mà còn làm đẹp cảnh quan thôn xóm”.
Là nông dân “chính hiệu”, với thu nhập chính từ nghề làm chổi đót, hàng ngày, vợ chồng ông Dũng sản xuất khoảng 50 chiếc và phải đi đến nhiều chợ trong và ngoài tỉnh bán hàng. Sản phẩm chất lượng tốt, có uy tín với bạn hàng nên làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, trừ chi phí, lãi ròng khoảng 10 triệu đồng/tháng. Từ nghề sản xuất chổi đót, ông Dũng đã nuôi 4 người con tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định. Năm 2013, gia đình ông được tuyên dương hộ nông dân sản xuất giỏi của huyện Lộc Hà.
Cảm kích trước tấm lòng của ông Dũng, người dân xóm 5, xã Thạch Mỹ đã làm thơ tặng: Sống để tình thương cho xóm làng/ Một đời bện chổi cũng vinh quang/ Món quà nhỏ tặng điện đường thắp sáng/ Đẹp mãi quê hương, đẹp tuổi già.
Việc làm thiết thực của ông Lê Tiến Dũng rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng trong phong trào chung tay xây dựng NTM.
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn