Vườn cam trĩu quả của anh Nguyễn Gia Phố.
Năm nay, cam chanh Thượng Lộc nổi tiếng khắp vùng không chỉ vì mùa vàng bội thu mà chất lượng trội hơn hẳn so với các loại cam khác ở Hà Tĩnh như cam Khe Mây (Hương Khê), Cẩm Yên (Cẩm Xuyên), cam bù (Hương Sơn)…
Thương lái nườm nượp đổ về vùng trà sơn huyện Can Lộc cắt cam vườn để đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, TP HCM… khiến cam Thượng Lộc vừa được mùa lại được giá. Càng gần Tết Nguyên đán, loại cam này càng đắt hàng.
Có mặt tại “thủ phủ” cam Thượng Lộc ở xã Thượng Lộc chúng tôi ngỡ ngàng trước những vườn cam trù phú. Những cây cam che khuất đầu người, tán rộng, cành nặng trĩu quả chín.
Mỗi cây cam đem đến cho chủ vườn vài ba tạ cam là chuyện bình thường. Bởi thế, người dân Thượng Lộc ngày càng khấm khá nhờ loại cây ăn quả đặc biệt này.
Nhờ sự dẫn đường của cán bộ nông nghiệp xã Thượng Lộc, chúng tôi được mục sở thị vườn “cam sạch” của anh Nguyễn Gia Phố ở thôn Thanh Mỹ.
Đây là mô hình tổng hợp điển hình của xã, với 700 gốc cam, 100 con lợn béo, vài trăm gốc bưởi và một số cây ăn quả khác. Anh Phố nay mới 33 tuổi nhưng đã sở hữu một cơ ngơi rất hoành tráng.
Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, anh Phố cho biết: “Trước đây tôi cũng lông bông khắp nơi về nhưng không làm gì ra tấm ra món. Sau khi lấy vợ (năm 2010) mới tu chí làm ăn. Nhận thấy cây cam cho hiệu quả kinh tế cao, tôi mạnh dạn vay mượn thêm đầu tư trên 1ha đất cha mẹ để lại. Sau 3 năm chăm chút, cây cam giúp vợ chồng tôi vươn lên làm giàu. Đến nay, vườn cam của gia đình tôi lên tới 700 gốc, trong đó gần 500 gốc đã cho thu hoạch, mỗi năm thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng”.
Chị Phan Thị Hiền, xóm An Hùng, Thượng Lộc chia sẻ: “Những năm 90, gia đình tôi là một trong số 9 hộ lên đây theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới. Là những người tiên phong nên gặp rất nhiều khó khăn vì thời điểm đó, đây chỉ là vùng đồi núi hoang sơ, cây cối tạp nham, điện chưa đến nơi, đường vào lầy lội bùn đất. Thời gian đầu, chúng tôi phát quang, cải tạo đất trồng một số giống cây rau màu nhưng không mang lại hiệu quả. Được một người bạn ở huyện Hương Khê cho cây cam, tôi đưa về trồng thử nghiệm thì thấy cây phát triển tốt, sai quả. Hai vợ chồng bàn nhau mở rộng diện tích nhân rộng giống cây này. Hiện nay, gia đình tôi có gần 1.000 gốc cam trên diện tích 2ha, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng”.
Đến nay, xã Thượng Lộc có gần 150 ha đất trồng cam, năm 2016, trồng mới được 42ha. Mặc dù năm nay, cam vừa được mùa vừa được giá (giá cắt tại gốc dao động từ 30-50 nghìn đồng/kg) nhưng để cam Thượng Lộc giữ vững và phát huy được giá trị của nó thì cần phải có thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Duy Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, cam Thượng Lộc mang lại thu nhập rất khá cho người dân. “Chỉ cần làm bài toán so sánh đơn giản chúng ta có thể thấy được giá trị kinh tế này”.
1ha cam cho sản lượng 13 tấn với giá bán bình quân 30 nghìn/kg sẽ cho thu nhập khoảng 400 triệu/ha, trong khi đó ở vùng khác trồng lúa chỉ cho thu nhập 75 triệu/ha – cao gấp gần 6 lần. Bởi vậy, huyện đã chọn phát triển cây ăn quả (trong đó cây cam là chủ đạo) làm mũi đột phá góp phần nâng cao đời sống người dân. Vì thế, việc thiết lập, xây dựng và phát triển thương hiệu cam Thượng Lộc là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong năm nay chắc chắn sẽ có bước tiến mới”, ông Cường nói.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Can Lộc, toàn huyện có hơn 600ha diện tích trồng cam thuộc 8 xã ở vùng trà sơn. Ước tính sản lượng đạt 6.000 tấn với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng. Các bước xây dựng nhãn hiệu “cam Thượng Lộc” đang được chính quyền sở tại hoàn thiện và chỉ còn chờ sự chấp thuận của Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo Hạnh Nguyên/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn