Trở lại thôn Phú Ốc, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Lê Đức Hùng, một trong những hộ khấm khá, đi lên từ nghề trồng nấm. Mỗi năm trừ các khoản chi phí, thu nhập từ trồng nấm của gia đình ông hơn 200 triệu đồng. Nguyên liệu trồng nấm là từ mùn cưa gỗ cao su.
Đầu tư máy nghiền mùn cưa
Trước đây ông Lê Đức Hùng là công nhân cao su, rồi chuyển qua làm Đội trưởng sản xuất thuộc Nông trường Bảy Tư, Cty TNHH MTV Cao su Quảng Trị. Năm 2010 theo chính sách tinh giảm biên chế, ông xin nghỉ hưu trước tuổi theo chế độ. Nghề nấm đến với ông từ năm 2003 và rất đỗi tình cờ.
Ông được một người bạn giới thiệu rồi đến Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu và học về cách trồng nấm. Tại đây, ông được các chuyên gia của trung tâm truyền đạt kỹ thuật trồng nấm và hỗ trợ đầu tư kinh phí làm lò hấp tại nhà. Sự đam mê nghề nghiệp cộng với nỗ lực kiên trì của bản thân, ông mạnh dạn đầu tư thêm máy nghiền mùn cưa từ gỗ cao su để tiết kiệm chi phí thay vì phải mua mùn cưa về làm nấm.
Theo ông Hùng, nguyên liệu chính để trồng nấm là mùn cưa, men giống nấm và kỹ thuật ủ nguyên liệu, cấy giống nấm. Mùn cưa phải của những loại cây không có tinh dầu hay có chất tương tác với men nấm, mùn cưa từ gỗ cao su là thứ mà ông đã chọn vì nó dễ kiếm tại vùng đất này mà giá thành lại thấp.
Những ngày đầu vào nghề ông phải lặn lội đến tận huyện Long Khánh, Đồng Nai để mua men về cấy giống nấm. Các loại giống nấm chủ yếu mà ông sản xuất bao gồm nấm mộc nhĩ, nấm rơm, nấm sò và cả giống nấm linh chi. Mùn cưa sau khi ủ được cho vào các túi ni lông chuyên dụng, sau đó đưa vào lò hấp. Sau công đoạn hấp là đến cấy ghép giống nấm. Công đoạn này đòi hỏi kỹ thuật khá cao và phải thận trọng, các men giống nấm được cho vào các túi ni lông để cấy giống, sau đó giăng bạt phủ khoảng 10 ngày.
Ấn tượng khi ghé thăm nhà ông là những tấm bằng khen của Sở NN-PTNT Quảng Trị và nhiều giấy khen của Hội Nông dân huyện Gio Linh về gương nông dân làm giàu góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ông Lê Đức Hùng xứng đáng là một tấm gương sáng về mô hình hộ nông dân làm giàu để mọi người noi theo và học tập. |
Tiếp theo, các túi ni lông được rạch nhiều đường sau khi men nấm đã ăn sâu đều toàn bộ và được treo lên giàn giáo chờ ngày thu hoạch. Các công đoạn từ việc nghiền mùn cưa, ủ nguyên luyện đến công đoạn cấy giống, giăng bạt phủ, tưới nước hàng ngày được ông thực hiện một cách công phu và tỉ mẩn. Đến thời điểm hiện tại, ông sở hữu một cơ ngơi đồ sộ khoảng gần 20 nghìn túi nấm với các giống nấm khác nhau.
Thu nhập khá
Theo nhu cầu thị hiếu của người dân trong vùng, nấm mộc nhĩ và nấm sò được ông đầu tư nhiều nhất, còn nấm linh chi ông chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của người quen chứ không dám đầu tư nhiều vì giá thành của sản phẩm này khá cao, khó tiêu thụ. Sản phẩm nấm của ông hơn 10 năm nay được thị trường trong vùng và các vùng lân cận tiêu thụ ngày càng tăng.
Ông Hùng cho biết: “Những ngày đầu mọi việc còn mới mẻ, lắm gian truân lại sợ đầu ra khó tiêu thụ, nhưng đến nay tôi thấy vui mừng vì cơ sở sản xuất nấm của mình ngày càng được mở rộng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng nhiều hơn”.
Mỗi năm trừ các khoản chi phí, thu nhập từ việc trồng nấm của gia đình ông hơn 200 triệu đồng. Ông Hùng cho biết, dự kiến trong năm 2016 này ông sẽ đầu tư xây dựng thêm cơ sở sản xuất mới khang trang và hiện đại hơn với các hệ thống tưới phun sương tự động và giữ ẩm về mùa khô và chống rét về mùa đông.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề làm nấm, ông Hùng không những tạo được việc làm cho một số người dân trong vùng mà còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho nhiều bà con trong vùng và các vùng lân cận. Nhiều hộ dân từ các vùng miền của huyện Hải Lăng, Triệu Phong cũng theo ông để học cách trồng nấm. Nhờ vậy các cơ sở làm nấm đã mọc lên ở nhiều nơi, mang lại nhiều thu nhập cho người dân nơi đây.
Theo Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn