Để giải quyết những tồn tại trên, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã liên tục mở các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật ủ phân vi sinh tới từng thôn xóm nhằm giúp bà con tự sản xuất phân vi sinh, dần thay thế phân vi sinh công nghiệp mua của nhà máy, giảm phân hóa học, tiết kiệm chi phí sản xuất. Tại những xã trọng điểm sản xuất ngô, lúa và cây màu như Toàn Sơn, Cao Sơn, Tu Lý, Mường Chiềng, Hiền Lương, Mường Tuổng…, tới nay đã có 70% số hộ áp dụng quy trình ủ phân vi sinh hữu cơ. Với các loại phế thải như: phân của gia súc, gia cầm, rơm rạ, thân cây ngô, sắn, lạc, cây phân xanh, lõi ngô, trấu, mùn cưa..., bà con đem ủ với chế phẩm sinh học, từ đó tạo thành loại phân bón vi sinh giúp cây trồng dễ hấp thụ, tạo mùn giữ ẩm cho đất, giúp cây tăng sức đề kháng với các loại sâu bệnh... Gia đình chị Đinh Thị Huệ là một trong những hộ tiên phong làm phân vi sinh ở xóm Cha, xã Toàn Sơn. Chị phấn khởi cho biết, được chuyển giao kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện, 3 năm qua, gia đình tự ủ phân hữu cơ vi sinh chỉ với bộ chế phẩm sinh học BioVAC và chất xúc tác Bicat, đem ủ cho 2 tấn phân xanh, sau hơn 1 tháng thu được 1 tấn phân khô, có thể tích trữ hoặc dùng luôn trong vụ sau. Nếu so sánh với việc mua phân vi sinh công nghiệp của nhà máy (giá từ 1.700 - 2.000 đồng/kg) thì với 1 tấn phân tự sản xuất, gia đình tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, khi bón loại phân này còn giúp đất giữ ẩm và tơi xốp, đất đai không còn chai cứng như trước, giảm được 30 - 40% lượng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Giờ đây, nông dân huyện Đà Bắc đã không còn xa lạ với cụm từ "phân hữu cơ vi sinh", có người còn ví đây là "bạn của nhà nông", bởi loại phân bón này đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho mỗi vụ sản xuất. Trịnh Thị Thanh Hoa |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn