Hiệu quả bước đầu
Để giúp người trồng mía hạ giá thành sản xuất, thời gian qua, Casuco không ngừng triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng cơ giới hóa trong canh tác được xem là một trong những giải pháp trọng tâm. Mô hình này được Casuco triển khai thực hiện nhiều năm qua, nhưng nhân rộng nhất là từ năm 2012 đến nay. Mỗi năm, Casuco xây dựng khoảng 6 điểm trình diễn, mỗi điểm khoảng 2.000m2 đất trồng mía. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng hiện có không ít hộ dân đã đồng tình và đang áp dụng.
Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp. Sau những lần tham gia hội thảo giới thiệu về mô hình cơ giới hóa trong sản xuất mía, ông Sơn thấy đây là cách làm hay nên đầu vụ mía 2014-2015, ông đã quyết định dành riêng 1 công trong tổng số 1ha mía của mình để áp dụng thử nghiệm. Mặc dù mới áp dụng ở khâu đào hộc và vô chân mía được 2 lần trong giai đoạn đầu nhưng chiếc máy đào hộc, vô chân mía đã giúp ông Sơn giảm được chi phí đáng kể, đặc biệt là giảm nhân công lao động. Bình thường, 1ha đất cần rất nhiều lao động làm trong vài ngày, nhưng sử dụng máy đào hộc mía, 1ha chỉ cần 1 người làm trong 1,5-2 ngày là xong và chỉ tốn khoảng 5 lít dầu. Ngoài ra, đất được đào bằng máy rất tơi xốp nên mía phát triển tốt, cây thẳng đều hơn, cho năng suất cao.
Ông Sơn so sánh: “Cơ giới hóa khâu đào hộc, vô chân mía 2 lần ở giai đoạn đầu là rất cần thiết, bởi đây là những khâu cần nhiều nhân công và mất nhiều thời gian nhất. Khi áp dụng mô hình sẽ giúp năng suất mía tăng thêm 15-20% và chi phí giảm đến 20% so với phương thức canh tác thủ công. Điều này rất có lợi khi giá mía thương phẩm luôn bấp bênh như hiện nay”.
Sau khi tham quan mô hình thí điểm cơ giới hóa trong sản xuất mía của ông Sơn vừa được Casuco tổ chức, ông Nguyễn Văn Nhị, ở khu vực 8, phường Hiệp Thành, TX.Ngã Bảy cùng nhiều nông dân khác đều đánh giá cao tính hiệu quả mô hình. Ông Nhị cho rằng: “Tôi thấy việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất có rất nhiều thuận lợi như: đến mùa vụ khỏi phải chạy tìm nhân công, tiến độ cải tạo lại đất nhanh hơn, xuống giống kịp thời vụ, mà quan trọng là chi phí lại thấp”.
Bên cạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cán bộ khuyến nông Casuco còn hướng dẫn nông dân thay đổi hình thức canh tác mía từ trồng hàng ngang sang hàng xuôi và trồng mía hàng đôi thay vì hàng đơn như truyền thống. Bởi, trồng hàng đôi sẽ có nhiều ưu điểm hơn, có khoảng trống giữa 2 hàng để cây mía dễ quang hợp, thuận lợi cho gốc mía đẻ nhánh, phát triển, thân mía to, năng suất sẽ cao hơn.
Cũng nằm trong giải pháp làm thế nào hạ giá thành sản xuất cho nông dân, năm nay, Casuco còn phối hợp với Công ty Phân bón Cửu Long cung ứng các loại phân chuyên dùng cho cây mía với giá bán ưu đãi. Qua đây, giúp cây mía không ngừng nâng cao năng suất, nhất là chất lượng đường, đồng thời giá thành đã giảm đi rất nhiều. Ông Huỳnh Văn Măng, Giám đốc Bộ phận khuyến nông Casuco, cho hay: Năm 2014, công ty đưa ra 2 mục tiêu chính để giúp người trồng mía hạ giá thành sản xuất. Một mặt, tiếp tục vận động người dân đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa, mặt khác, liên kết với Công ty Phân bón Cửu Long cung cấp phân bón cho bà con. Bởi, cách bón phân của nông dân hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa xác định tốt thời gian, loại phân bón phù hợp nên thường gây lãng phí, tăng giá thành (chưa kể đôi lúc bà con mua nhằm phân bón giả). Chính vì vậy, việc bón phân cân đối, hợp lý và sử dụng nguồn phân chất lượng cũng là giải pháp hạ giá thành rất quan trọng.
Cần sự hỗ trợ từ ngành chức năng
Mặc dù những hiệu quả tích cực của việc cơ giới trong một số khâu ban đầu của sản xuất mía đã được khẳng định, nhưng để nhân rộng mô hình này tại các vùng trồng mía trong tỉnh không phải là điều dễ dàng. Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, do người dân chủ yếu trồng mía còn manh mún, nhỏ lẻ, liếp nhỏ,… từ đó, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, nếu muốn đưa cơ giới hóa vào tất cả các khâu canh tác, người dân cần thay đổi tập quán trồng mía. Để làm được vấn đề này, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về nguồn vốn nhằm tạo điều kiện cho người trồng mía cải tạo lại ruộng mía, mà yếu tố chính là dồn liếp lại để thuận tiện cho máy đào hộc hoạt động. Ông Trương Văn Hiền, chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha/năm, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng cho hay: “Hiện bà con trong và ngoài câu lạc bộ mong muốn nhà nước có những chính sách hỗ trợ để áp dụng cơ giới hóa. Trước mắt, hỗ trợ vốn để mua máy, vì mỗi chiếc máy đào hộc hiện có giá 35 triệu đồng, những hộ khó khăn sẽ rất khó mua. Nếu được hỗ trợ, đây sẽ là giải pháp thuận lợi giúp người dân hạ giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận, từ đó có điều kiện tiếp tục gắn bó với cây mía.
Ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, cho biết: Hàng năm, trung tâm đều có những chính sách hỗ trợ để nông dân mua máy áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Năm 2014, do không có hộ trồng mía nào đăng ký mua máy nên trung tâm không hỗ trợ. Sang năm 2015, nếu hộ dân có nhu cầu thì đăng ký với chính quyền địa phương, sau đó gửi về trung tâm sẽ xem xét hỗ trợ cho bà con.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Trước tình hình chuẩn bị mở cửa hội nhập của ngành mía đường, để phát triển một cách bền vững thì việc thâm canh tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất rất quan trọng. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp địa phương đã phối hợp với các nhà máy đường triển khai nhiều mô hình thâm canh mía, đưa vào sản xuất nhiều giống mía mới chất lượng và năng suất. Trong đó, việc đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất mía đã góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, giải quyết tình trạng thiếu nhân công khi xuống giống. Hướng tới, ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, trong đó, ưu tiên ở những vùng có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, tham mưu cho cấp trên xem xét hỗ trợ các chính sách nhằm tạo điều kiện cho nông dân nhân rộng mô hình.
Theo Báo Hâu Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn