Tại Diễn đàn đối thoại chính sách “Ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp nông thôn thông qua đối tác công tư” mới đây, nhiều chuyên gia cho hay lý do quan trọng khiến công nghệ cao chưa về nông nghiệp-nông thôn một cách sâu, rộng bởi Nhà nước chưa có chính sách đủ khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực rất tiềm năng nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro này.
Doanh nghiệp gặp khó Ghi nhận những thành công bước đầu trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trong những năm qua, song phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ (Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp) thẳng thắn thừa nhận vẫn còn quá nhiều cản trở để đưa công nghệ cao vào nông nghiệp.
“Chúng ta thành công trong việc trình diễn công nghệ của nước ngoài trong điều kiện của Việt Nam, nhưng khi phát triển diện rộng thì chưa thành công chính vì thiếu vai trò tham gia của doanh nghiệp,” ông Bộ nhận định.
Cũng theo nhà khoa học này, cho dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất có độ rủi ro cao nên tổng kết trong trong thời gian gần đây cho thấy không quá 5-6% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Những đơn vị đầu tư thì thường là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế. Do đó, để đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, quan trọng nhất chính là chính sách của nhà nước về thị trường, đất đai và vốn (trong đó có vốn đầu tư, chính sách về thuế…).
Hiện nay, đất đai được giao cho nông dân nên phải làm sao để nông dân yên tâm giao đất cho doanh nghiệp lâu dài để sản xuất. Bởi vậy, ông Bộ cho rằng cần huy động nguồn lực đất đai bằng các phương thức khác nhau như chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp hoặc góp vốn vào doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất... Để làm được điều này, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh, một trong những trở ngại lớn nhất trong việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là vấn đề nhận thức tư tưởng lợi ích cục bộ. Chính tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, không tin vào cái mới... sẽ là rào cản lớn cho các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, cho dù sản phẩm từ nông nghiệp tạo hiệu quả kinh tế cao nhưng ít có dự án công nghệ cao đầu tư.
Cần sự quyết liệt từ địa phương Để tháo “nút thắt,” ông Trạc cho hay cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ các bộ, ngành liên quan như khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, khuyến khích nông dân tự tìm hiểu áp dụng tiến bộ khoa học, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Nói về những tồn tại, ông Bộ và ông Trạc đều đưa ra ví dụ về một “điểm sáng” trong việc đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp mà từ đó có thể nhân rộng. Đó chính là điển hình thành công của Tập đoàn TH trong việc sản xuất ra dòng sữa tươi sạch trên mảnh đất của Nghệ An.
Tập đoàn TH đã biến mảnh đất lâm trường năng suất kém thành khu trồng cỏ
đem lại giá trị kinh tế cao. (Ảnh: TH)
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Thái Hương, “kiến trúc sư” của dự án TH True Milk cho hay, khi bắt tay thực hiện dự án này, đã không ít sự hoài nghi về tính khả thi bởi nó quá mới mẻ và tốn kém.
Tuy nhiên, những người làm dự án luôn hiểu “đi tiên phong phải có sự khác biệt.” Bởi vậy, TH đưa quan điểm: Nếu mình không giỏi về sữa thì hãy tìm một người nào đó giỏi nhất trên thế giới để họ tư vấn cho mình làm. Và, đơn vị này đã chọn công nghệ, chuyên gia từ Israel.
Với sự đầu tư bài bản vào một quy trình công nghệ khép kín, từ khâu chăn nuôi, sản xuất…, sau gần 2 năm hoạt động TH đã là nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam. Doanh thu thuần của TH True Milk năm 2011 trên 1.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2012 là 3.700 tỷ đồng, nhưng do khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam, TH không nằm ngoài vòng xoáy đó nên kế hoạch dự kiến kéo dài sang đầu năm 2013.
Dự án TH thành công đã đưa ra 2 bài học lớn. Thứ nhất là doanh nghiệp TH có đủ Tâm - Trí - Lực, có đủ nguồn lực về con người, trí tuệ, có tiềm lực tài chính, có hướng đi đúng đắn, thu hút các nguồn tri thức từ trong và ngoài nước để tham gia cùng doanh nghiệp và đã vạch ra con đường đi riêng biệt đúng đắn là sản xuất sản phẩm sữa tươi sạch. Thứ hai là có sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền địa phương vì không có sự tham gia này sẽ không có điều kiện về đất đai để doanh nghiệp phát triển.
Từ thực tiễn đã trải qua, bà Thái Hương-Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn TH đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao trong nông nghiệp. Trong đó, bà nhấn mạnh tới việc Nhà nước cần phải có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này một cách khác biệt trong vòng 3-5 năm để khích lệ. Ngoài ra cần có chính quyền ở địa phương mạnh, nhận thức đầy đủ về vấn đề đưa công nghệ cao trong nông nghiệp, coi đây thực sự là cuộc cách mạng đổi mới trong nông nghiệp để bắt tay cùng doanh nghiệp thực hiện cuộc cách mạng này.
“Chúng ta cần phải có chính sách đào tạo lại lao động cho những vùng đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Nếu doanh nghiệp tự đào tạo lại lao động thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí nhất định cho doanh nghiệp. Phải có chính sách đi kèm giải quyết lao động dư thừa trong quá trình tham gia tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó, phải có chiến lược truyền thông bài bản, giúp người dân hiểu rằng việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thực sự là cuộc cách mạng về nông nghiệp của đất nước,” bà Thái Hương chốt lại./.
Trung Hiền:
Nguồn:www.vietnamplus.vn