Trong ổ dịch có thể có ít hay nhiều con bệnh, con bệnh là trung tâm của ổ dịch vì nó là nguồn bệnh và vì nó báo hiệu sự có mặt của những nguồn bệnh tiềm tàng khác. Vì vậy mà biện pháp dập tắt một ổ dịch phải nhằm đối tượng chủ yếu và trước tiên là con bệnh.
1. Phát hiện ổ dịch
Sớm phát hiện ổ dịch sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế tổn thất do dịch bệnh đồng thời khống chế sự phát tán của mầm bệnh ra môi trường xung quanh. Vai trò quan trọng của người chăn nuôi trong việc phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi:
- Kiểm tra đàn vật nuôi vào đầu giờ sáng hàng ngày, quan sát dáng đi, tiếng kêu, mắt, mũi, trạng thái phân.
- Kiểm tra tình trạng ăn uống của đàn vật nuôi.
- Một số bệnh có thể truyền nhiễm cho nhiều loài như bệnh tụ huyết trùng gia cầm: cả gà, vịt, ngan, ngỗng đều mắc bệnh.
- Bệnh đường hô hấp: hen, suyễn thường dễ phát hiện về đêm.
- Khi phát hiện có biểu hiện khác thường của vật nuôi, cần cách ly kịp thời những vật nuôi đó, nếu có biểu hiện nghi dịch xảy ra, cần thông báo ngay cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Nhiều khi người chăn nuôi giấu dịch, cần phát huy tính cộng đồng: các thành viên trong gia đình, hàng xóm, cán bộ xóm, thôn, thú y, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Chi bộ... phát hiện dịch và thông báo.
2. Thông báo dịch
- Người chăn nuôi cần báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương khi thấy gia súc, gia cầm có hiện tượng ốm, chết bất thường.
- Khi đã xác định bệnh nguy hiểm, địa phương phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc cấp tương đương ra lệnh công bố dịch.
3. Bao vây, khống chế và dập tắt dịch
Bệnh truyền nhiễm xảy ra là do ba khâu của quá trình sinh dịch: nguồn bệnh, các yếu tố trung gian truyền bệnh, động vật cảm thụ và sự liên hệ giữa ba khâu đó. Thiếu một trong ba khâu hoặc thiếu sự liên hệ giữa hai trong ba khâu đó thì dịch không xảy ra.
Để bao vây, khống chế và dập tắt dịch, cần có những biện pháp tổng hợp sau đây:
Cán bộ thôn, thú y thôn phải triển khai các biện pháp chống dịch, cảnh báo các hộ chăn nuôi trên địa bàn, có phương án chống dịch.
- Đối với nguồn bệnh: phát hiện sớm, chủ động cách ly, điều trị tích cực con bệnh và điều trị dự phòng những con mang trùng, nếu dịch bệnh nguy hiểm thì không điều trị mà phải tiêu huỷ theo quy định: bao vây ổ dịch, thiêu huỷ hoặc chôn sâu có rắc (phun) sát trùng toàn bộ xác vật ốm, chết và chất thải, thức ăn, nước uống thừa của chúng. Phun sát trùng tổng thể khu vực sau đó mới quét dọn, rửa, quét vôi và trống chuồng (thời gian trống chuồng ít nhất 30 ngày). Cấm người không phận sự ra, vào khu vực; đình chỉ vận chuyển, mua bán, giết mổ.
- Đối với các nhân tố trung gian: là sinh vật như chuột, côn trùng… cần tiêu diệt hoặc ngăn chúng không tiếp xúc với vật nuôi. Đối với đồ vật nhiễm mầm bệnh như thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện… thì tuyệt đối không cho vật nuôi tiếp xúc, phải sát trùng để diệt mầm bệnh.
- Đối với động vật cảm thụ: phải tăng sức đề kháng bằng biện pháp vệ sinh phòng bệnh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để tăng sức khoẻ cho vật nuôi. Phòng bệnh chủ động bằng vắc xin.
Sau khi con vật chết hoặc lành bệnh cuối cùng từ 15 – 30 ngày, không có con nào mắc hoặc chết; toàn bộ vật nuôi có thể mắc bệnh trong vùng dịch đã được tiêm phòng, đồng thời đã tiêu độc toàn ổ dịch thì có thể bãi bỏ lệnh công bố dịch.
TS. Nguyễn Thị Liên Hương - TTKNQG |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn