Ngày 19-10, tại Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Tạp chí Cộng sản và tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò của (khoa học-công nghệ) KH-CN trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
KH-CN đã đạt được những thành tựu to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành nước có trình độ sản xuất ở mức trung bình của thế giới. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, việc nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn, tạo giống mới, cải tiến phương thức canh tác…đã đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, xuất khẩu thủy sản đứng thứ 5 trên thế giới và gần đây xuất khẩu cà phê đứng thứ 1 trên thế giới. Theo đó, chất lượng cuộc sống của người dân dần được cải thiện, trình độ dân trí nâng cao và hàm lượng KH-CN tăng dần trong các sản phẩm hàng hóa.
Trong bối cảnh đó, KH-CN ở vùng ĐBSCL-vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước cũng có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của vùng, đặc biệt là trong việc phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân nông thôn.
|
Việc lai tạo nhiều giống lúa mới – một trong những lĩnh vực của KH-CN sẽ giúp gia tăng năng suất trong sản nông nghiệp bền vững |
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng học KH-CN ở ĐBSCL đã tập trung vào lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp. Chỉ tính từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2012, đã có 570 đề tài, dự án được các sở khoa học và công nghệ của 13 tỉnh, thành phố trong vùng được thực hiện. Nhờ đó, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều giống cây trồng vật nuôi, nhiều quy trình sản xuất thâm canh tiên tiến, nhiều giải pháp phòng trừ dịch hại bền vững đối với cây trồng và vật nuôi được áp dụng hiệu quả. Những nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong thời gian qua đã góp phần nâng cao vị thế và vai trò của vùng ĐBSCL đối với sự phát triển kinh tế của cả nước. Mỗi năm, toàn vùng đóng góp bình quân 22% GDP của cả nước, hơn 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, khoảng 36% giá trị xuất khẩu nông sản, 52% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Theo ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong 16 năm (1996 - 2012), KH-CN đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp, giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản lượng nông-lâm-thủy sản xuất khẩu lên mức gần 20 tỷ USD. Vì vậy, để giúp ĐBSCL phát triển bền vững và trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại đòi hỏi KH-CN phải tham gia với một vị thế then chốt. Trong thời gian tới, chúng ta cần có quyết tâm cao, có những giải pháp thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn.
Ông Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, hiện nay, các viện, trường, trung tâm nghiên cứu tại vùng vùng ĐBSCL đã và đang tham gia tích cực vào việc lai tạo, cung ứng cây, con giống, vật nuôi và sản xuất các chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho nông nghiệp. Nhiều địa phương trở thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Tin, ảnh: Văn Xây
Theo qdnd.vn