Hiện nay, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh phía Bắc, sâu cuốn lá nhỏ đang gây hại trên lúa hè thu, lúa mùa. Thời điểm này đang xuất hiện đợt trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ ra rộ và đẻ trứng. Mật độ sâu non tăng nhanh trên lúa vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Sâu non gây trắng lá giai đoạn đẻ nhánh và hại lá đòng thời kỳ lúa làm đòng - trỗ bông.
Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa.
1. Đặc điểm sinh học
Vòng đời của sâu cuốn lá nhỏ từ 30 - 35 ngày. Thời gian trứng 6 - 7 ngày. Thời gian sâu non 15 - 25 ngày. Thời gian nhộng 6 - 8 ngày. Thời gian ngài vũ hóa đến đẻ trứng 2 - 7 ngày.
Ngài của sâu cuốn lá nhỏ có tính hướng quang rất mạnh và con cái mạnh hơn con đực. Nhộng thường vũ hóa về đêm, ban ngày thường ẩn nấp, nếu khua động thì chỉ bay lên bằng chiều cao ngọn lúa. Ngài thường tìm những ruộng lúa xanh tốt để đẻ trứng vào ban đêm, rải rác trên lá lúa, phần lớn là đẻ từng quả một, cũng có khi tới 2 - 3 trứng một chỗ. Một con ngài cái chỉ đẻ trung bình trên 76 quả.
2. Đặc điểm gây hại
Sâu non nhả tơ cuốn dọc lá thành bao thẳng đứng và nằm trong đó ăn phần chất xanh trên mặt lá, để lại lớp màng trắng làm giảm diện tích quang hợp và mất diệp lục tố gây tổn thất cho năng suất và chất lượng nông sản.
3. Các yếu tố tác động đến sự bộc phát sâu cuốn lá nhỏ
- Thời vụ gieo sạ muộn, gieo cấy giống dễ nhiễm sâu bệnh. Sâu cuốn lá nhỏ tập trung hại nặng vào 2 thời kỳ sinh trưởng của cây lúa là đẻ nhánh rộ và làm đòng - trổ. Khi trà lúa chính vụ đã qua các giai đoạn trên, sâu cuốn lá sẽ tập trung vào trà lúa muộn để phát triển và bảo tồn nòi giống.
- Sử dụng phân bón không hợp lý: Bón quá nhiều đạm, bón lai rai nhiều lần làm cho cây lúa lúc nào cũng xanh tốt là điều kiện lý tưởng để sâu cuốn lá nhỏ phát sinh, phát triển. Thực hiện biện pháp kỹ thuật 3 giảm 3 tăng là giải pháp hữu hiệu giúp cây lúa phát triển chắc khỏe, hạn chế sự phát sinh của sâu bệnh nói chung.
- Thời tiết khí hậu, đặc biệt là mùa mưa nắng xen kẽ kết hợp ẩm độ cao, sâu cuốn lá phát sinh rất nặng. Vì vậy cần nắm chắc dự báo thời tiết để chủ động đưa ra biện pháp ngăn ngừa sớm.
4. Biện pháp phòng trừ
Biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ theo hướng bền vững là tăng cường áp dụng quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, kết hợp hài hòa các biện pháp thủ công, canh tác, sinh học...
+ Ký sinh thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ rất đa dạng từ các loài ong, nấm, các loài ăn thịt… nên chú ý bảo vệ hoặc bổ sung thiên địch như ong mắt đỏ Trichogramma sp., nấm…
+ Biện pháp canh tác rất quan trọng, nếu thực hiện đúng kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, thời vụ, mật độ gieo cấy, chế độ nước… sẽ điều chỉnh sự phát sinh quá mức của sâu bệnh hại nói chung và sâu cuốn lá nhỏ nói riêng.
+ Biện pháp hóa học là vũ khí cuối cùng phải sử dụng khi thời tiết thuận lợi cho sâu bệnh bùng phát mà các biện pháp khác không đủ sức khống chế. Sử dụng các loại thuốc Padan 95SP, Gegent 800WP, Sumithion 50EC, Karte 2EC... phun theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng phương pháp).
+ Kinh nghiệm sử dụng: Thời điểm phun thuốc, cần nghe thông báo của cơ quan bảo vệ thực vật ở địa phương, phun thuốc khi trứng sâu nở rộ. Hoặc phun sau khi ngớt bướm 2 - 3 ngày (thăm đồng 2 ngày/lần, xua ngọn lá lúa kiểm tra thấy mật độ bướm giảm đột ngột so với thời điểm bướm ra rộ). Khi lúa xuôi trái, sâu cuốn lá nhỏ không phá hại nữa mặc dù mật độ bướm rất cao trước đó.
Tuy nhiên, sự phát dục của sâu cuốn lá nhỏ phụ thuộc vào sự sinh trưởng, phát triển của từng trà lúa, trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa cấy ở các thời vụ khác nhau thì trứng sâu cuốn lá nhỏ nở rộ cũng ở các thời điểm khác nhau. Những ruộng lúa cấy trước, nhanh tốt; ruộng lúa thừa đạm, lá xanh đen, những ruộng gần khu dân cư, gần đường quốc lộ, khi trời tối sẽ có nhiều ánh sáng nên mật độ bướm sẽ cao hơn, trứng sâu cũng nở sớm hơn.
Nguồn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn