Cánh đồng lúa tham gia mô hình liên kết 4 nhà của nông dân huyện Bến Cầu
Dù có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, địa hình, tập quán, kinh nghiệm canh tác nhưng nhìn chung các điểm trình diễn đều đạt được những hiệu quả rất khả quan; nông dân tham gia mô hình đều áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, hướng đến sản xuất theo “1 phải 5 giảm”, đã giảm bớt chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hầu hết diện tích nông dân tham gia mô hình đều áp dụng phương pháp sạ lan, sạ thưa với các loại giống chủ yếu là OM 6976, OM 4900, OM 5451. Lượng giống gieo sạ trung bình cả 2 vụ gần 120kg/hecta, so với ngoài mô hình chênh lệch thấp hơn trên 50 kg/hecta. Hình thức gieo sạ tập trung né rầy, xử lý giống bằng thuốc Cruiser Plus 312,5 FS đã hạn chế bệnh lúa von, rầy nâu, côn trùng chích hút, phòng ngừa bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trong giai đoạn đầu. Số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chênh lệch ít hơn 0,78 lần so với ngoài mô hình và chi phí sản xuất chênh lệch ngoài mô hình cao hơn trên 1 triệu đồng. Bình quân hiệu quả kinh tế từ mô hình mang lại cao hơn so với ngoài mô hình gần 3 triệu đồng/hecta.
Theo ý kiến các đại biểu dự hội nghị, việc tổ chức hình thức sản xuất này đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân, giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đây cũng được xem là tiền đề quan trọng để hướng tới sản xuất lúa theo phương thức liên kết 4 nhà được bền vững, hỗ trợ các địa phương thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Dự kiến trong năm 2013, Tây Ninh tiếp tục mở rộng diện tích của mô hình lên 6.000 hecta, đồng thời tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ về giống lúa, tiến tới cơ giới hóa nông nghiệp, đa dạng hóa sản xuất.
Theo phunuonline.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn