Mô hình được thực hiện 3 năm từ 2011 - 2013, với mục đích nhằm thay đổi tập quán sản xuất muối của diêm dân từ cá thể sang tổ hợp tác theo nhóm hộ, cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tập trung đầu tư, thiết kế, cải tạo các đồng muối hiện có. Triển khai từ năm 2011, mô hình đã mang lại kết quả khá khả quan, bước đầu tìm được hướng đi mới cho nghề làm muối tại Thái Bình.
Năm 2012, Trung tâm KNKNKN Thái Bình tiếp tục triển khai mô hình tại thôn Tam Đồng thuộc Hợp tác xã Đại Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Mô hình thực hiện chia làm 2 đợt: đợt 1 triển khai từ tháng 3/2012, với quy mô 0,5 ha đồng muối, gồm 25 hộ diêm dân tại xóm 3, thôn Tam Đồng tham gia. Theo đó, Cán bộ Trung tâm KNKNKN đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho diêm dân và thành lập được 5 nhóm hộ (5 hộ/nhóm). Đồng thời hỗ trợ diêm dân vật tư để sửa chữa 500 m2 sân kết tinh, 25 nhăng đựng nước, 50 chạt lọc, 50 thùng lắng lọc; hỗ trợ 250 m2 bạt HDPE dày 0,5 mm để phơi muối. Trong quá trình thực hiện cán bộ kỹ thuật của trung tâm cùng ban quản lý HTX thường xuyên chỉ đạo, giám sát, theo dõi sát sao quá trình thực hiện của bà con. Qua theo dõi thấy, với 10 ngày nắng, bình quân 1 m2 sân chạt truyền thống lượng muối thu được 15,28 kg, sân trải bạt thu được 20,6 kg, tăng 5,32kg (34,8%).
Gia đình ông Vũ Đức Cường, thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải là một trong những hộ tham gia mô hình: với 2 lao động chính gia đình ông làm 3 sào ruộng muối, từ tháng 3 năm 2012 được sự hỗ trợ của mô hình, đã trải 60 m2 bạt (hơn 1 sào ruộng muối). Ông tâm sự: So với phương pháp làm truyền thống, phương pháp trải bạt giúp tăng năng suất từ 20 - 25 %, nếu thời gian nắng kéo dài có thể tăng hơn 30 %; đặc biệt giảm công lao động, khi chuyển vị trí chạt lọc ra giữa sân, không phải dùng xe cút kít để chở cát; hệ thống lọc bằng tre đã được thay thế bằng ống nhựa nên vệ sinh hơn, nước lọc trong nên muối trắng và sạch hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đình Tháp chủ nhiệm HTX Đại Đồng cho biết: Tại Thái Bình, những năm gần đây giá muối thấp, tiêu thụ khó khăn nên nhiều diêm dân đã bỏ nghề, hiện nay chỉ còn duy nhất HTX Đại Đồng còn hoạt động trong nghề muối. Toàn xã có gần 60 ha diện tích làm muối, diêm dân có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, tuy nhiên khi đưa tiến bộ kỹ thuật trải bạt vào, người dân rất lúng túng, không tin tưởng vào tiến bộ mới này. Được sự giúp đỡ, sát sao của Trung tâm Khuyến nông, ban chỉ đạo HTX đã tiếp nhận mô hình, đồng thời đi thăm quan học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa; Sau khi thăm quan hợp tác xã vận động, hỗ trợ 50.000 đồng/sào muối tiền công lao động chuyển bể lọc chạt cho hộ dân. Cán bộ Khuyến nông và HTX đã trực tiếp chỉ đạo diêm dân trải bạt, phơi muối. Kết quả năm 2011 toàn xã đã trải được 300 m2 bạt. Là người trực tiếp chỉ đạo mô hình, ông Tháp nhận định: làm muối theo mô hình mới hiệu quả cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống: giảm công lao động, lại tăng năng suất và chất lượng muối, đặc biệt phát huy được tính cộng đồng của diêm dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhận thấy tiến bộ kỹ thuật mới này thực sự mang lại hiệu quả nên năm 2012 nhiều hộ diêm dân đã tự đầu tư kinh phí để chuyển từ hệ thống làm muối truyền thống sang hệ thống trải bạt. Đến năm 2012 toàn xã đã trải được trên 1000 m2 bạt. Trong thời gian tới, Thụy Hải tiếp tục duy trì nghề muối, khuyến khích, hỗ trợ diêm dân chi phí công trải bạt để mở rộng diện tích sân kết tinh được trải bạt, đồng thời nâng cấp hệ thống kênh mương cấp nước biển, sân phơi cát, bể lọc chạt, phù hợp với quy trình sản xuất muối sạch.
Như vậy, mô hình tổ hợp tác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch bước đầu làm thay đổi tập quán canh tác chuyển từ cá thể sang phương thức tổ hợp tác theo nhóm hộ. Diêm dân đã trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện các phần còn lại của dự án. Hiện nay cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đang tiếp tục thực hiện đợt 2 (đã triển khai từ tháng 6/2012), với quy mô 0,5 ha đồng muối, gồm 25 hộ diêm dân thuộc xóm 1 thôn Tam Đồng tham gia. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền bằng nhiều chính sách phù hợp nhằm khuyến khích diêm dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giúp giảm công lao động, tăng năng suất, góp phần nâng cao thu nhập cho diêm dân; từ đó khuyến khích diêm dân Thụy Hải gắn bó với nghề truyền thống này.
Nguyễn Thị Nguyệt |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn