Từ nhận thức trên, Nam Định thấy rằng chủ trương của Bộ NN&PTNT về xây dựng và phát triển các mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ở các tỉnh phía Bắc là hết sức đúng đắn. Với quyết tâm cao của tỉnh, ngành NN&PTNT đã phối hợp với các doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị triển khai tới các huyện, các xã đăng ký tham gia xây dựng mô hình trong vụ xuân 2012. Bước đầu triển khai xây dựng mô hình "cánh đồng mẫu lớn" trên cây lúa trong 2 vụ sản xuất đã gặp không ít khó khăn như việc tổ chức sản xuất "cánh đồng mẫu lớn" liên quan đến nhiều hộ nông dân (200-300 hộ/mô hình), việc vận động và tổ chức sản xuất cùng giống, cùng trà không đơn giản vì 300 hộ là 300 suy nghĩ, tư tưởng khác nhau. Song, kết quả đạt được hết sức khả quan: vụ xuân 2012 xây dựng được 12 mô hình ở 11 xã với quy mô 565 ha; vụ mùa 2012 xây dựng được 33 mô hình ở 27 xã với quy mô 1.717 ha. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2013 tỉnh Nam Định có 20-25% diện tích đất canh tác (khoảng 15.000 ha đất lúa và 2.000 ha đất màu) sản xuất theo mô hình "cánh đồng mầu lớn" với 100% số xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp tham gia. Theo đó, kế hoạch cụ thể trong vụ đông xuân 2012-2013 là xây dựng 181 mô hình với quy mô 7.700 ha.
|
Các đại biểu Cục trồng trọt tham quan mô hình " Cánh đồng mẫu lớn" tại huyện Xuân Trường tỉnh Nam ĐỊnh |
Dù vẫn còn một số hạn chế
(một số mô hình chưa đạt yêu cầu về quy mô diện tích hoặc sử dụng từ 2-3 giống, thực hiện các khâu kỹ thuật chưa đồng loạt...) nhưng nhìn chung kết quả thu được đến nay là 1 thành công lớn: hầu hết các mô hình đều đảm bảo quy mô diện tích từ 50 ha trở lên; mỗi mô hình chỉ sử dụng một loại giống lúa chất lượng cao (Bắc thơm số 7, RVT, Nam Định 5), gieo cấy đồng trà và thực hiện thống nhất quy trình thâm canh theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT. Năng suất lúa trong các mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ở vụ xuân đều tăng so với sản xuất đại trà cùng giống, lợi nhuận tăng từ 1,8-3,1 triệu đồng/ha. Ở các mô hình trong vụ mùa 2012, đến nay lúa cơ bản đã trổ xong (trừ một số mô hình cấy lúa đặc sản sau tháng 10 mới trỗ bông); theo đánh giá bước đầu, các mô hình sẽ cho năng suất và hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà cùng giống.
Thông qua việc xây dựng "cánh đồng mẫu lớn", các HTX nông nghiệp phát huy được hoạt động dịch vụ, từng bước làm quen với phương pháp triển khai, tổ chức chỉ đạo thực hiện các mô hình tiến bộ kỹ thuật có quy mô lớn với một loại sản phẩm và nhiều hộ nông dân cùng tham gia. Vai trò chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của chính quyền cấp xã được nâng cao; ý thức sản xuất hàng hóa, ý thức cộng đồng và trình độ thâm canh của nông dân được nâng lên. Giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân bước đầu đã có sự gắn kết trong sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm.... Sản xuất theo "cánh đồng mẫu lớn" tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh cơ giới hóa nông nghiệp và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Bài học kinh nghiệm lớn nhất để Nam Định thực hiện thành công thí điểm xây dựng "cánh đồng mẫu lớn" là phải thực hiện tốt việc quy hoạch sản xuất và dồn điền - đổi thửa nhằm tạo điều cho các hộ nông dân tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa. Các vùng sản xuất "cánh đồng mẫu lớn" phải được quy hoạch ổn định, lâu dài và phải đảm bảo được các tiêu chí quy định, nhất là về giao thông và thủy lợi nội đồng. Song, dồn điền đổi thửa là một việc không đơn giản, rất nhiều khó khăn phức tạp do liên quan đến nhiều hộ nông dân nên cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động và tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thông chính trị.
|
|
Theo báo cáo đến nay Nam Định có 100% số xã, thị trấn đã hoàn thành lập quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và dồn điền - đổi thửa, các xã, thị trấn đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chỉnh trang lại đồng ruộng; củng cố, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của sản xuất, đã đắp được 1.400 tuyến đường ra đồng với chiều dài 1.119 km; vận động các hộ nông dân góp hiến được trên 700 ha rừng hỗn hợp và hơn 300 ha làm đường giao thông, thủy lợi và xây dựng NTM. Những cánh đồng của các xã Xuân Kiên - Xuân Trường, Giao Hà - Giao Thủy, Yên Phong - Ý Yên, Minh Tân - Vụ Bản đều được quy hoạch với chiều rộng thửa ruộng là 50m chiều dài hết cánh đồng, bờ ruộng rộng 3m, rất thuận tiện cho sử dụng các phương tiện cơ giới. Nếu các doanh nghiệp vào thực hiện đầu tư cánh đồng mẫu lớn rất dễ dàng chỉ cần thông qua HTX tiến hành sản xuất và sau đó thu mua chia lợi ích cho từng hộ dân trên diện tích đã được quy hoạch sẵn. Trên những cánh đồng chưa thực hiện cánh đồng mẫu lớn thì ngăn cách giữa ruộng các hộ dân chỉ là 1-3 lúa không cấy.
Từ bài học của Nam Định nhìn về nông nghiệp tỉnh nhà thấy rằng, công việc chuyển đổi ruộng đất có những huyện, xã đã chuyển đổi mấy lần, các hộ dân đã có nhiều thửa ruộng cạnh nhau nhưng không phá bỏ bờ, không được quy hoạch thì khó có thể cơ giới hóa được, đồng thời khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, kéo theo hệ lụy là các hợp tác xã nông nghiệp khó phát triển. Vì vậy, để hiện đại hóa nền nông nghiệp, tạo các vùng sản xuất "cánh đồng mẫu lớn" đòi hỏi phải thực hiện tốt việc quy hoạch sản xuất và dồn điền - đổi thửa nhằm tạo điều cho các hộ nông dân tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa. Các vùng phải được quy hoạch ổn định, lâu dài và phải đảm bảo được các tiêu chí quy định, nhất là về giao thông và thủy lợi nội đồng. Song, dồn điền đổi thửa là một việc không đơn giản, rất nhiều khó khăn phức tạp do liên quan đến nhiều hộ nông dân. Do đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động và tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nếu không sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh không những 10 năm mà nhiều năm nữa vẫn như hiện nay hoặc thay đổi không đáng là bao.
Anh Ngọc
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh