Ủ lục bình làm nguyên liệu chất nấm
Đề tài thực hiện tại 3 xã: Phú Xuân, Tân Hòa, Phú An nhằm so sánh năng suất và hiệu quả trồng NR từ nguyên liệu rơm và rơm phối trộn với lục bình.
Thí nghiệm thực hành vụ đông xuân năm 2014-2015 tại huyện Phú Tân theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, với 3 nghiệm thức: Nghiệm thức 1 (NT1) sử dụng 100% rơm từ máy gặt đập liên hợp, nghiệm thức 2 (NT2) sử dụng 1/2 rơm và 1/2 lục bình, nghiệm thức 3 (NT3) sử dụng 1/3 rơm và 2/3 lục bình. Với 3 lần lặp lại tương ứng 3 hộ và diện tích mỗi lần lặp lại 150m2, tổng diện tích thí nghiệm 450m2.
Qua 8 tháng thí nghiệm, kết quả nghiên cứu cho thấy: Năng suất trồng NR từ nguyên liệu rơm phối trộn với lục bình cao hơn so với năng suất trồng NR hoàn toàn bằng nguyên liệu rơm, năng suất trung bình ở NT3 đạt 1,81kg/mét mô, cao gấp 3 lần so với NT1 chỉ đạt 0,64kg/mét mô, năng suất trung bình ở NT2 đạt 1,52kg/mét mô cao gấp 2 lần so với năng suất trung bình ở NT1 đạt 0,64kg/mét mô.
Chị Phương lý giải: “Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế khi trồng NR từ nguyên liệu rơm phối trộn với lục bình lại thấp hơn khi trồng NR hoàn toàn bằng nguyên liệu rơm, do khi thực hiện đề tài phải mua nguyên liệu lục bình khô từ những người làm hàng thủ công mỹ nghệ nên khi tính chi phí cao, tuy nhiên, giá trị thấp hơn không nhiều.
Thế nhưng, nếu tận dụng công lao động nhà thu gom và phơi nguyên liệu lục bình để trồng NR thì hiệu quả kinh tế cũng như lợi nhuận thu được gấp 1,8-2,3 lần so với lợi nhuận trồng NR sử dụng 100% nguyên liệu rơm.
Vì nguyên liệu rơm phải mua, còn nguyên liệu lục bình có sẵn rất nhiều trên sông, chỉ cần tận dụng công lao động nhà để vớt, thu gom và phơi khô lục bình thì đã có nguồn nguyên liệu để trồng NR”.
Chia sẻ cách phối trộn 1/3 rơm và 2/3 lục bình, theo chị Phương: Cân trọng lượng lục bình trên 1m là: 10,93kg lục bình khô và 9,6kg rơm khô. Lót 1 lớp rơm khô khoảng 2cm ở lớp đáy, sau đó rơm ủ lấy ra cuốn tròn như cái gối và dựng ngang ép thành giồng để rỏ nước, bề ngang 35cm, cao 4cm sau khi đạp dẽ dặt, tiến hành rải meo giống; tiếp tục lớp thứ 2 lấy lục bình ủ cuốn tròn như cái gối và dựng ngang ép thành giồng để rỏ nước, bề ngang 35cm, đạp dẽ dặt cao còn 22cm và rải tiếp lớp meo thứ 2.
Tưới dung dịch HVP nấm trước khi rải meo, trộn meo nấm với các loại men vi lượng kích thích tơ bò nhanh, rải meo nấm một hàng giữa mô và sau đó phủ thêm 4cm rơm ủ lên trên lớp rơm thứ 2, tiến hành ốp mô nấm trơn láng.
Sau khi hoàn thành việc chất mô nấm tiến hành phơi nắng mô nấm trong vòng 3-4 ngày, không tưới nước nhằm tạo nhiệt độ cao (35 - 380C) trong mô nấm để cho tơ nấm phát triển.
Chọn rơm mới thu hoạch còn tươi hoặc tốt nhất là rơm được dự trữ, ủ qua ngày rồi dùng làm áo. Giũ tơi rơm và phủ lên mô nấm một lớp rơm loại này dày khoảng 10-15cm. Sau khi chất giồng 4 ngày xịt dung dịch HVP nấm pha với dinh dưỡng HQ101, sau đó ép giồng nhẹ canh tưới nước ngày 1 lần bằng máy bơm có gắn búp sen để tránh hại tơ nấm (dùng mô- tơ hoặc máy bơm gắn ống để tưới). Kiểm tra nhiệt độ và ẩm độ thường xuyên để đảm bảo cung cấp nước thích hợp cho mô nấm.
NR rất dễ trồng, mọc tốt trên các thực liệu là phế phẩm nông nghiệp, có thể trồng được quanh năm với điều kiện tự nhiên thích hợp.
Từ kết quả nghiên cứu, chị Phương kiến nghị: “Cần tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng NR từ nguyên liệu rơm phối trộn với lục bình song song mô hình truyền thống trồng NR hoàn toàn bằng nguyên liệu rơm, vì năng suất trồng NR khi phối trộn với nguyên liệu lục bình cao hơn gấp 2-3 lần trồng NR hoàn toàn bằng nguyên liệu rơm”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn