Nông dân xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) chăm sóc địa liền.
Nguồn lợi lớn từ cây dược liệu
Nhiều năm nay, nông dân xã Nghĩa Phương (Lục Nam) đã chuyển đổi hầu hết những chân ruộng cao sang chuyên canh cây kim tiền thảo và nhân trần. Ông Nguyễn Văn Năm, thôn Dúm cho biết: “Năm 2002, gia đình tôi chuyển hơn 5 sào ruộng cấy lúa không ăn chắc do thường xuyên thiếu nước sang trồng cây kim tiền thảo. Vụ đầu tôi thu hoạch được 2 tạ khô/sào, bán với giá 7 nghìn đồng/kg, so với trồng cây khác thì loại cây này cho thu nhập cao hơn do thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh được quay vòng. Ba năm nay, gia đình tôi tận dụng cả vàn đồi thấp để canh tác với tổng diện tích 1,5 ha, năng suất đạt 3-4 tạ khô/sào. Hiện giá trên thị trường từ 13-15 nghìn đồng/kg khô, mỗi năm tôi thu về hơn trăm triệu đồng”.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, xã Nghĩa Phương có khoảng 45 ha trồng cây dược liệu, chiếm 1/3 diện tích dược liệu toàn huyện (135 ha), ước tính mỗi năm nông dân thu về hơn 3 tỷ đồng. Diện tích còn lại tập trung chủ yếu ở các xã Đông Phú, Tam Dị, Vô Tranh, Trường Giang, Bảo Đài với các loại cây như: Nhân trần, kim tiền thảo, thục địa, địa hoàng, hương bài...
Tại xã Hương Lạc (Lạng Giang), người dân cũng có thu nhập cao từ cây địa liền. Năm 2014, xã liên hệ với Công ty cổ phần Dược phẩm OPC Bắc Giang thu mua toàn bộ 3,5 ha dược liệu cho bà con với giá 13 nghìn đồng/kg tươi. Anh Phan Văn Ninh, thôn Ao Dẻ cho biết: “Trước kia, gia đình tôi chuyên trồng bí xanh thu nhập cũng khá nhưng thường xuyên phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, năm trước, tôi chuyển 6 sào sang trồng địa liền, năng suất đạt 1,5 tấn củ tươi/sào, trừ chi phí thu 90 triệu đồng. Tháng 3 vừa qua, gia đình tôi tiếp tục trồng 5 sào, tranh thủ khoảng thời gian địa liền chưa mọc tôi gieo rau cải trắng để làm mát củ giống và có thêm thu nhập".
Để phát triển tương xứng với tiềm năng
Theo Phòng trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT), Bắc Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất cây dược liệu với quỹ đất dồi dào, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 129 nghìn ha, đất lâm nghiệp có 110 nghìn ha. Khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển cây dược liệu. Toàn tỉnh có 255 loài cây có thể làm thuốc, trong đó có nhiều loài quý như: Ba kích, bình vôi, địa hoàn, sâm nam, khôi nguyên… song đến nay mới có gần 500 ha trồng cây dược liệu. Việc khai thác cây thuốc trong rừng tự nhiên còn tràn lan, người dân đốt và phá rừng trồng keo, bạch đàn dẫn đến nhiều loài cây dược liệu quý ở các huyện miền núi có nguy cơ cạn kiệt.
Hằng năm, bên cạnh việc người dân trồng tự phát các loại cây thuốc thì các chương trình mục tiêu quốc gia như: Giảm nghèo, chương trình khuyến nông, xây dựng nông thôn mới… đã góp phần hình thành diện tích trồng cây dược liệu tập trung ở các huyện. Điển hình là mô hình: Trồng ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả ở Tây Yên Tử (Sơn Động) của Hội Nông dân tỉnh; trồng cây ngưu tất tại huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á; trồng và chế biến cây địa hoàng, địa liền, thục địa của Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Giang; đề án trồng và khai thác bền vững cây thuốc nam của huyện Sơn Động…
Đây là những mô hình có sự đầu tư, hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, quy mô của những mô hình này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng diện tích sản xuất cây dược liệu của tỉnh. Số diện tích còn lại hầu hết do người dân trồng tự phát, chưa hình thành vùng sản xuất chuyên biệt và không có thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện chỉ có huyện Sơn Động và Yên Dũng hỗ trợ một phần giá giống và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia sản xuất theo đề án và chương trình nông thôn mới nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Giang, hiện nay, nhu cầu sử dụng cây dược liệu để sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng rất lớn nhưng nguồn nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu là chính. Các loại cây thuốc sản xuất trong tỉnh phần lớn ở dạng thô do chưa có công nghệ bảo quản, chế biến. Cũng vì chưa hình thành được vùng sản xuất chuyên biệt, vẫn xen canh với lúa, rau màu nên chất lượng dược liệu đôi khi không bảo đảm do ảnh hưởng của việc phun thuốc bảo vệ thực vật.
Để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, mở rộng diện tích cây dược liệu trong cơ cấu nông nghiệp thời gian tới, các cơ quan, ban ngành cần phối hợp hỗ trợ nông dân liên kết với các nhà khoa học áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và đầu tư thiết bị bảo quản nguyên liệu. Các huyện xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất và xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp chế biến dược phẩm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy mới góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo cho người dân đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành dược tại địa phương một cách bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt đề án trồng bổ sung cây dược liệu, cây bản địa trên rừng tự nhiên nghèo kiệt tại các xã: An Lập, Tuấn Đạo, Yên Định (Sơn Động) giai đoạn 2015-2017. Các giống cây đưa vào trồng gồm: Lim xanh, giổi xanh, ba kích, khôi nguyên với diện tích 150 ha. Đề án góp phần hình thành, mở rộng việc phát triển bền vững loại cây này trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn