Anh Nguyễn Ngọc Khanh chăm sóc hoa kiểng.
Với lòng đam mê sinh vật cảnh, năm 1999, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, anh Khanh trồng vài chậu mai vàng chủ yếu để trang trí trong gia đình và thư giãn sau những giờ lao động. Qua quá trình chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng, những sản phẩm kiểng đẹp ra đời và được khách hàng đến mua với giá cao. Từ đây, anh quyết định cải tạo hơn 1.000m2 đất quanh nhà để trồng mai vàng với số lượng nhiều và trồng thêm bông giấy, vạn thọ để kinh doanh, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Anh Khanh không ngừng học hỏi kinh nghiệm để áp dụng trong việc chăm sóc nên hoa, kiểng phát triển tốt, trổ bông nhiều, đẹp và đúng dịp.
“Để mai trổ bông đúng vào dịp Tết thì giữa tháng 9 âm lịch, tôi bón phân 2015, xịt phân bón lá, cắt những đọt non để dồn sức nuôi nụ. Khoảng từ mùng 10 đến 15 tháng Chạp thì tướt lá. Còn bông giấy thì rằm tháng 8 âm lịch, tôi đưa vào chậu, lảy lá để nhựa tập trung nuôi đọt và ra đều, sau đó cắt bỏ phần đọt non. Cứ đọt non phát triển thì cắt bỏ. Đến rằm tháng 11 âm lịch ngưng thì bông sẽ trổ đúng vào dịp Tết. Bông vạn thọ thì từ ngày 25 đến 30 tháng 10 âm lịch, tôi gieo giống, sau 15 - 20 ngày đưa vào chậu. Ba ngày sau tôi xịt phân bón lá, 5 ngày tưới phân bón gốc, mỗi tuần xịt thuốc trừ sâu. Đến đầu tháng sau, tôi cắt đọt bỏ thì bông sẽ trổ ngay dịp Tết” - anh Khanh chia sẻ kinh nghiệm.
Trong năm 2014, anh Khanh bán ra thị trường 5 chậu mai vàng, gần 300 chậu bông giấy, hơn 600 chậu bông vạn thọ, thu lãi trên 700 triệu đồng. Hiện nay, vườn mai của anh có trên 40 cây đã vào chậu và đang chăm sóc, có chậu trị giá hơn chục triệu đồng; vườn bông giấy có trên 140 chậu. Nhờ trồng hoa kiểng, anh Nguyễn Ngọc Khanh có thu nhập khá cao, xây dựng nhà kiên cố.
Với mong muốn được học hỏi kinh nghiệm sinh vật cảnh, năm 2010, anh tham gia vào Hội Sinh vật cảnh xã An Ngãi Trung. Đến năm 2013, anh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Với nhiệm vụ được giao, anh không ngừng xây dựng tổ chức, vận động người dân tham gia Hội, để có điều kiện truyền đạt kiến thức, cùng nhau thực hiện, đưa phong trào sinh vật cảnh của địa phương ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Ba Tri cho biết: “Anh Nguyễn Ngọc Khanh là người rất đam mê sinh vật cảnh, luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu kiến thức về sinh vật cảnh. Từ đó, anh đã thành công với việc trồng hoa kiểng. Khi tham gia vào Hội, anh đã tích cực xây dựng tổ chức, giúp cho phong trào sinh vật cảnh ở địa phương phát triển. Sắp tới, Hội sẽ tuyên truyền về tấm gương của anh Nguyễn Ngọc Khanh cho cán bộ, hội viên trên địa bàn huyện biết để tích cực làm theo. Qua đó, ngày càng có nhiều người đầu tư trồng hoa kiểng, tạo thu nhập cho gia đình, đưa phong trào của Hội ngày càng phát triển, góp phần vào cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn