Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) tỉnh Đắk Nông kết hợp với Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư các huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô đã triển khai mô hình: “Trồng và thâm canh lúa lai TH3-3”.
Kết quả đã triển khai được 16 ha với 65 hộ tham gia. Qua theo dõi đánh giá cho thấy giống lúa lai TH3-3 sinh trưởng tốt, tỷ lệ nảy mầm trên 95%, cứng cây, ít nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, thời gian sinh trưởng là 105-115 ngày.
Song song với triển khai mô hình, TTKNKN mở các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cho các hộ thực hiện mô hình và những hộ lân cận. Thông qua tập huấn người dân đã được tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh lúa lai như áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, áp dụng IPM trên đồng ruộng. Các học viên tham gia tập huấn đều cơ bản nắm được cách ngâm ủ giống, làm đất kỹ trước khi xuống giống để hạn chế mầm bệnh, gieo sạ thưa, bón phân đúng thời điểm để nâng cao hiệu suất phân bón và phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa đúng kỹ thuật nên đã hạn chế được ô nhiễm môi trường.
Sau 5 tháng triển khai, kết quả giống lúa TH3-3 khá phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương, năng suất cao hơn các giống lúa địa phương. Năng suất trung bình của mô hình đạt 8,1 tấn/ha, có hộ chăm sóc tốt đạt đến 13 tấn/ha. Trung bình số hạt chắc/bông là 140 hạt, số bông hữu hiệu/m2 là 235 bông. Với giá tại thời điểm thu hoạch thì lợi nhuận trung bình đạt 30,5 triệu đồng/ha. Tuy thu nhập chưa cao nhưng đây là nguồn thu không nhỏ đối với người nông dân. Thông qua mô hình người nông dân đã được tiếp cận và nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Năng suất cao đã làm cho bà con yên tâm hơn trong sản suất nông nghiệp, đời sống cho người nông dân được ổn định.
Huyện Cư Jút là nơi tiếp thu khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình nhanh nhất. Theo ông Đặng Quốc Khánh, khuyến nông viên xã Đắk Rông, huyện Cư Jút cho biết: “Từ năm 2008 trở về trước đa số các hộ nông dân trong xã Đắk Rông đều trồng giống lúa thuần địa phương nên năng suất rất thấp. Từ sau năm 2008, nhờ có các mô hình trình diễn lúa lai của Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư triển khai nên dần bà con đã hiểu rõ về phương thức canh tác mới, sử dụng giống lúa lai, sạ thưa, bón phân cân đối… Cho đến nay đã có khoảng 50% diện tích trồng lúa trong xã Đắk Rông là sử dụng lúa lai để canh tác, nhờ vậy mà năng suất trung bình và sản lượng lúa của xã được tăng lên đáng kể”.
Ông Đàm Văn Huân, thôn 16, xã Đắk Rông, huyện Cư Jút là một trong những hộ thực hiên mô hình lúa thuộc chương trình công nghệ cao cho biết: “Nhà tôi có 0,3 ha ruộng, trước đây tôi trồng các giống lúa địa phương mang từ quê vào, các giống này ăn ngon nhưng năng suất chỉ đạt 3-4 tấn/ha. Gia đình tôi được tham gia làm mô hình sản xuất lúa lai TH3-3, tôi thấy lúa TH3-3 cứng cây, chịu thâm canh nên năng suất cao trên 8 tấn/ha. Sau khi hạch toán chi phí, tôi thấy làm lúa lai cho lợi nhuận cao hơn hẳn lúa thuần nên từ đó đến nay năm nào nhà tôi cũng trồng lúa lai”.
Không chỉ có gia đình ông Huân mà đa số các hộ sản xuất lúa tại xã Đắk Rông và Cư Knia, huyện Cư Jút đều nhận thấy rõ được hiệu quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó đưa giống lúa lai mới vào trồng trọt là khâu quan trọng và cần thiết nhất để nâng cao năng suất, phẩm chất lúa.
Hoàng Thị Thanh Huyền |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn