Trình độ cán bộ còn hạn chế, triển khai thiếu sâu sát tới người dân, nặng về cơ chế “xin - cho” bao cấp... là những nguyên nhân dẫn tới hiệu quả của các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua thấp.
Đó là các nội dung được đề cập tại Hội nghị thảo luận về công tác phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp do UBND TP tổ chức ngày 18/8.
Vẫn còn nhiều bất cập
Những năm qua, TP đã phê duyệt và giao Sở NN&PTNT thực hiện nhiều chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp. Qua 4 năm triển khai, một số chương trình, đề án đã bước đầu hình thành các mô hình sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận lại, hiệu quả của các chương trình, đề án này còn rất nhiều hạn chế, khó nhân rộng và tính bền vững không cao…
Mô hình sản xuất chè an toàn xã Ba Trại, huyện Ba Vì . |
Theo ông Hoàng Văn Thám - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, hầu như khi triển khai mô hình mới, người dân chưa được họp bàn. Các dự án không được làm đến nơi đến chốn, dẫn tới tình trạng có thể người dân ký vào văn bản, giấy tờ nhưng chỉ để "hợp thức hóa", trong khi các mô hình nặng về tính hỗ trợ bao cấp và cơ chế “xin - cho”. Bên cạnh đó, năng lực thực hiện mô hình của bộ phận chuyên môn cũng còn yếu.
Ông Phạm Ngọc Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho rằng, do trình độ của cán bộ kỹ thuật còn hạn chế nên khi tuyên truyền mô hình tới các hộ dân gặp nhiều lúng túng. Hơn nữa, bản thân đội ngũ cán bộ của các đơn vị, trung tâm thuộc Sở NN&PTNT phải kiêm nhiệm nhiều mô hình, cả cây lương thực, hoa, cây ăn quả..., nên việc triển khai thiếu trọng tâm và chuyên sâu. Bởi vậy, sau khi kết thúc mô hình, việc đánh giá tổng kết và nhân rộng rất khó khăn.
Tuyên truyền, bàn bạc kỹ với dân
Trong năm nay, TP sẽ tổng kết nhiều chương trình, đề án trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2015. Đây là cơ hội để toàn ngành nông nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại quá trình tổ chức thực hiện trong hơn 4 năm qua. Do vậy, những ý kiến đánh giá thẳng thắn, mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, yếu kém tại Hội nghị thể hiện quyết tâm đổi mới sản xuất của ngành nông nghiệp cũng như các địa phương. Bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) cho rằng, việc triển khai các chương trình, đề án, mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chuyên môn của Sở và các địa phương. Trong đó, phải phân công rõ người, rõ việc mới nâng cao được tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, muốn triển khai mô hình hiệu quả cần tuyên truyền, bàn bạc cặn kẽ với Nhân dân để tạo được sự đồng thuận, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Hơn nữa, cách thức xây dựng, triển khai các dự án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa vẫn còn là nội dung khá mới mẻ với nhiều địa phương. Do đó, đại diện phòng Kinh tế các huyện đề nghị TP tổ chức biên soạn, xuất bản một cuốn "cẩm nang" hướng dẫn cho cơ sở cách thức thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt lưu ý, khi triển khai các chương trình, đề án sản xuất nông nghiệp, các địa phương phải tuyệt đối tránh 2 vấn đề. Thứ nhất, cán bộ kỹ thuật không sử dụng chính sách hỗ trợ làm phương tiện để xây dựng mô hình triển khai dự án. Thứ hai, hộ nông dân không lấy việc hỗ trợ của Nhà nước qua chính sách làm mục tiêu xây dựng mô hình và thực hiện dự án. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, việc hệ thống lại phương pháp, quy trình, nội dung, các bước triển khai dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết. "Việc triển khai các dự án nông nghiệp làm được như dồn điền đổi thửa, phải bàn bạc đến tận hộ dân thì mới thành công bền vững được" - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Nguồn: ktdt.vn