Anh Nguyễn Văn Sanh, ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cho rằng ở nông thôn bây giờ đất chật người đông, chăn nuôi sẽ gặp khó khăn nếu không áp dụng một công nghệ nào đó để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Anh rất phấn khởi khi tìm hiểu được phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học và áp dụng ngay vào gia trại nuôi gà của mình.
|
Anh Nguyễn Văn Sanh chăm sóc đàn gà. Ảnh: XUÂN THỨC |
“Ban đầu mình thử mua 1 kg chế phẩm men BALASA N0-1 trộn với 2 kg bột bắp, 3 kg cám gạo rồi cho thêm nước ủ trong chum 2 - 3 ngày, sau đó lấy ra đem rải đều trộn lớp bề mặt trấu chừng 15 cm, phía trên mình lót sạp tre, gà sinh sống trên sạp tre phân rơi xuống gặp đệm lót nên phân hủy hết mùi hôi. Quá trình nuôi cứ 5 - 7 ngày mình đảo đệm lót 1 lần. Sau gần 3 tháng gà xuất chuồng, lấy sạp tre rửa sạch, phơi khô để dùng tiếp, còn đệm lót thu dọn làm phân bón cho cây trồng rất tốt. Nuôi theo phương thức trên có ưu điểm làm tiêu hết phân, do đó mùi hôi, khí độc trong chuồng hầu như không còn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không phải thay chất độn trong suốt quá trình nuôi. Đặc biệt là gà ít mắc bệnh, giảm được công và chi phí thuốc chữa bệnh, gà lớn nhanh và đạt năng suất cao”.
Tuy giá cả có lúc bấp bênh, nhưng gà nuôi đệm lót sinh học lớn nhanh, chi phí thấp đã mang lại lợi nhuận khá, mỗi năm trừ hết chi phí, anh thu lãi không dưới 160 triệu đồng. Không những làm giàu cho gia đình mình, với cương vị là chi hội trưởng nông dân thôn Luật Chánh, anh đem kinh nghiệm chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học phổ biến rộng rãi cho hội viên, trực tiếp giúp đỡ 6 hội viên theo hướng “cầm tay chỉ việc” và ai cũng đạt kết quả tốt. Chi hội nông dân do anh lãnh đạo liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh xuất sắc nhiều năm liền. Bản thân anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.
Theo Báo Bình Định