Khởi nghiệp với nông sản sạch
Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản tiên tiến (Trường Đại học Cần Thơ) năm 2013, anh Quãng Trọng Phát (quê huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) làm nghiên cứu viên Khoa Thủy sản, rồi chuyển sang làm nhân viên một công ty thủy sản ở tỉnh Hậu Giang gần 2 năm rưỡi. Công việc văn phòng gò bó, không thoải mái, anh nghĩ cần thay đổi việc làm. Qua tìm hiểu về tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm, nhất là nông sản sử dụng hóa chất khiến người tiêu dùng hoang mang, anh Phát định hình ý tưởng thành lập trang trại trồng rau sạch với ước mơ mở chuỗi cửa hàng cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng.
Anh Phát với mô hình trồng rau thủy canh ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng. Ảnh: MỸ HOA
Cuối tháng 4-2016, anh thuê hơn 6.000m2 ở phường Thường Thạnh (quận Cái Răng); trong đó, sử dụng 600m2 đầu tư xây dựng mô hình nhà màng (mái lợp bằng ni lông, vách lưới), lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh, với tổng chi phí ban đầu khoảng 400 triệu đồng. Hiện anh trồng nhiều chủng loại: cải xoăn, cải bẹ trắng, xà lách, rau dền, bắp cải tím, củ cải đỏ, su hào… Theo anh Phát, việc trồng rau trong nhà màng hạn chế sâu bệnh, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học mà chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, anh cũng đầu tư hệ thống lọc nước để loại những cặn bẩn trong nước tưới, đảm bảo rau an toàn, không lẫn tạp chất. Sản phẩm làm ra tươi sạch, giá cả ổn định nên ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Mỗi tháng, anh Phát xuất bán 500-700kg rau màu, thu nhập bình quân 15 triệu đồng.
Với cơ ngơi hiện nay, ít ai biết anh Phát trải qua quá trình khởi nghiệp khó khăn. Do đầu tư công nghệ sản xuất rau sạch nên chi phí sản xuất khá cao, anh vay mượn tiền gia đình. Cha mẹ anh Phát phản đối ý tưởng của anh vì nguồn vốn đầu tư cao, trong khi hiệu quả quá mơ hồ. Anh Phát đã kiên trì thuyết phục cha mẹ; đồng thời, cất công tham quan, tìm hiểu kỹ thuật trồng rau các khu nông nghiệp công nghệ cao ở TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tiền Giang... Anh Phát chia sẻ: “Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, tôi được nhiều ngành chức năng quận Cái Răng hỗ trợ về thủ tục pháp lý, tìm kiếm thị trường. Nhờ vậy, sản phẩm dần được nhiều khách hàng biết đến”. Sắp tới, anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Thu nhập khá từ nghề vẽ nghệ thuật 3D
Giữa trưa, anh Trần Thanh Hải vẫn nắn nót vẽ nghệ thuật 3D trên các loại đĩa, chén sành sứ rất đẹp mắt, với hình ảnh cá vàng, rùa, hoa sen... Anh Hải chủ yếu bán sản phẩm làm quà lưu niệm cho khách du lịch, Việt kiều, giới văn phòng. Bên cạnh quảng cáo trên mạng xã hội, anh tranh thủ bán sản phẩm ở các lễ hội, hội chợ, dịp Tết. Hơn 2 năm chọn nghề vẽ nghệ thuật 3D, giúp anh có thu nhập ổn định. Anh Hải tâm sự: “Cách nay 2 năm, tôi được người bạn hướng dẫn vẽ nghệ thuật 3D, rồi tự tìm tòi, học hỏi thêm trên mạng. Sản phẩm nghệ thuật 3D sẽ đẹp hơn nhờ chọn được những phụ liệu phù hợp như dĩa sành sứ, chén gáo dừa… góp phần tôn thêm sự độc đáo, được nhiều khách hàng ưa chuộng”. Do di chứng sốt bại liệt, bị khuyết tật 2 chân nên nghề này phù hợp với sức khỏe, giúp anh Hải có thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt.
Anh Hải sáng tạo nhiều sản phẩm quà tặng khá độc đáo từ nghệ thuật vẽ cá 3D. Ảnh: Q. THÁI
Theo anh Hải, nghề này đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mỉ vì mỗi sản phẩm cần sự dày công phác thảo ý tưởng, lựa chọn vật liệu và thời gian vẽ. Một sản phẩm đơn giản mất ít nhất 2 ngày, những bức tranh phức tạp hơn có khi mất cả tuần. Mỗi sản phẩm có giá bán 120.000- 400.000 đồng, lợi nhuận khoảng 30%. Công việc dù vất vả nhưng anh Hải luôn miệt mài sáng tạo và nghệ thuật vẽ 3D trở thành niềm đam mê. Anh Hải chia sẻ thêm, đối với vẽ cá 3D, khi vẽ phải tỉ mỉ tránh để sai sót, phải tạo cảm giác cá đang bơi chân thật, sinh động.
Người mua có thể tìm thấy những sản phẩm độc lạ tùy chọn vật liệu tranh, chẳng hạn như đĩa sứ, chén và mộc mạc, dân dã hơn là những chiếc rổ tre thô sơ, đầy tính nghệ thuật. Có những bức vẽ rất tinh tế, công phu: những chú cá đang bơi, mô hình thu nhỏ hòn non bộ, cầu Cần Thơ, cầu đi bộ Cần Thơ về đêm... Những sản phẩm anh Hải vẽ đều mềm mại, sinh động; người xem không thấy bị phân mảng, giả tạo. “Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng không dễ dàng, bởi chỉ một khâu không chuẩn xác thì không thể tạo ra sản phẩm ưng ý. Vì vậy, người vẽ tranh cần sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng cũng như thật sự đam mê” - anh Hải bộc bạch.
QUỐC THÁI/baocantho.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn