Mặc dù đi lại không được nhanh nhẹn như người bình thường song bằng nghị lực của mình, anh Thuận không những đã đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo mà còn trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân phát động.
Anh Thuận cho biết, trước đây anh đi lại cũng như bao người bình thường khác, chứ không tập tễnh như hiện nay. Sau khi học xong Đại học Nông nghiệp, anh trở về quê hương với tấm bằng kỹ sư chăn nuôi thú y trong tay. Bao ấp ủ cho một tương lai tươi sáng trong phút chốc tan tành theo mây khói, khi anh tự dưng mắc bệnh khớp háng vào năm 2007. Chán nản, buồn bã vì không đi lại được, phải ngồi trên xe lăn, anh Thuận chỉ biết cầu trời cho tai qua, nạn khỏi. Được gia đình quan tâm đưa đi chữa trị khắp nơi, sau gần một năm điều trị, anh Thuận đã đi lại được song không còn tự nhiên như trước.
Sau khi bình phục trở lại, anh Thuận bắt tay ngay vào phát triển kinh tế gia đình. Vất vả làm nông nghiệp, đầu tắt, mặt tối mà kinh tế gia đình mãi không khá lên được, anh quyết định chuyển hướng vào chăn nuôi.
Anh Thuận cho hay, khâu chọn giống rất quan trọng, quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của vịt
Sẵn vốn kiến thức được trang bị khi còn ngồi trên giảng đường Đại học, anh mua gà, vịt về nuôi. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm thực tế, lại thiếu vốn đầu tư nên anh chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Một thời gian sau, khi đã nắm chắc được đặc tính, chu kì sinh trưởng của đàn gia cầm, anh mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi với quy mô lớn hơn, trong đó tập trung vào nuôi vịt thương phẩm.
Được chăm sóc chu đáo, cho ăn đủ chất dinh dưỡng lại được tiêm vắc xin định kỳ nên đàn vịt nhà anh lớn nhanh, dịch bệnh không xảy ra, chất lượng đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Anh chủ yếu xuất bán vịt cho các nhà hàng ăn uống ở thành phố Sơn La.
Anh Thuận làm chuồng nuôi nhốt phù hợp với độ tuổi của đàn vịt
Lúc nào trong chuồng trại nhà anh cũng có 3 đàn vịt (mỗi đàn hơn 300 con) ở các độ tuổi khác nhau, đàn chuẩn bị xuất bán, đàn nhỡ và đàn vịt con, đảm bảo luôn có vịt cung cấp cho các nhà hàng. “Yêu cầu của các nhà hàng rất khắt khe. Họ đòi hỏi, vịt không nặng quá cũng không nhẹ quá, tầm 1,9 -2 kg/con là vừa. Vì vậy, cần phải cho vịt ăn đúng khẩu phần, hạn chế cho ăn khi đàn vịt chuẩn bị xuất bán, đảm bảo trọng lượng của vịt theo yêu cầu của khách”, anh Thuận giải thích.
Nhờ khống chế được trọng lượng nên đàn vịt nhà anh, lứa nào bán hết lứa ấy, với giá bán ổn định. Mỗi năm, anh Thuận xuất bán được hơn 1.000 con vịt thịt, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Gia đình anh đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã và đang vươn lên làm giàu.
Theo anh Thuận, khâu chọn giống vịt rất quan trọng, phải lấy từ những lò ấp có chất lượng, đắt hơn cũng được vì nếu chất lượng con giống không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và dễ xảy ra dịch bệnh, dẫn đến thua lỗ. Cùng với đó là phải làm chuồng nuôi nhốt thoáng mát, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, tiêm vắc xin phòng bệnh.. như vậy nuôi vịt mới có ăn.
Anh Lèo Văn Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Cọ tấm tắc khen: “Mặc dù bệnh tật như thế nhưng anh Thuận luôn là hội viên gương mẫu, tích cực đi đầu trong các phong trào của Hội Nông dân xã. Hiếm khi tôi thấy anh ấy nghỉ ngơi, bận bịu tối ngày, không để tay chân ở không lúc nào. Anh Thuận còn thường xuyên giúp đỡ bà con trong bản về kỹ thuật nuôi gà, vịt, được dân bản quý mến và nể phục ”.
Tác giả bài viết: Văn Chiến - Quốc Định
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn