Giảm chi phí, tăng thu nhập
Chị Đỗ Thị Liên, xã Vạn Kim chia sẻ: "Đa phần người dân ở đây đã dùng thuốc trừ sâu sinh học để phun cho rau, không dùng các loại thuốc hóa học độc hại như trước. Trồng rau an toàn phải thực hiện nhiều quy trình mới, nhưng lại giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), năng suất rau tăng 30% so với trước". Gia đình chị Liên có 2 sào rau, cho thu hoạch 5 - 7 lứa/năm, trừ các khoản chi phí, mỗi năm thu lãi từ 30 - 35 triệu đồng.
Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội Hoàng Thanh Vân (bên phải) kiểm tra công tác dán nhãn RAT. Ảnh: Thắng Văn |
Vừa nhanh tay bẻ những chùm nhãn sai trĩu quả, anh Nguyễn Văn Trường, xã Đốc Tín vui mừng tâm sự: Nhờ tham gia vào mô hình sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, anh tiết kiệm được 2 triệu đồng chi phí thuốc BVTV mà nhãn cũng bán chạy hơn trước. Hiện, khu vườn 1,5ha với 600 gốc nhãn của anh đã cho thu hoạch vụ thứ 3, sản lượng bình quân đạt 10 tấn/ha, với giá bán tại gốc từ 22 - 25.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu lãi từ 180 - 200 triệu đồng/năm.
Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết, sản phẩm rau, quả VietGAP chưa tiếp cận được với thị trường nội thành, do vậy giá cả không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con. Trong thời gian tới, huyện mong muốn được TP quan tâm, đầu tư hơn nữa về nguồn kinh phí hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất, hỗ trợ giá rau, quả sạch, giá thuốc BVTV sinh học, thảo mộc để kích thích mở rộng mô hình sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Ông Nguyễn Văn Quân - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Mỹ Đức cho biết, để xây dựng thành công thương hiệu VietGAP cho các loại rau, quả là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, bởi gặp không ít khó khăn. Cán bộ phòng phân tích của Chi cục BVTV TP về từng xã để khảo sát thực tế, lấy mẫu đất, nước, rau, quả về kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn như: Dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng kim loại nặng... phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả người lao động và người tiêu dùng.
Từ năm 2008 đến nay, được sự hỗ trợ của Chi cục BVTV TP Hà Nội, Trạm BVTV huyện Mỹ Đức đã tổ chức được 80 lớp học trồng và chăm sóc rau, quả an toàn; đào tạo, tập huấn cho 2.400 học viên ở 22 xã trên địa bàn; 100% học viên sau khóa học được cấp Giấy chứng nhận sản xuất rau, quả an toàn.
Nỗi lo đầu ra
Ông Đinh Phúc Cương - Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Vạn Kim cho biết: Toàn xã có 10ha rau, trong đó 3ha trồng rau an toàn với 20 hộ tham gia. Thu nhập từ rau an toàn đã phần nào giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, nhưng do chi phí sản xuất rau an toàn so với rau thông thường cao hơn đáng kể nên nhiều hộ chưa mạnh dạn tham gia vào sản xuất rau an toàn. "Do đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế, đa phần sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn phải bán tự do nên giá cả phụ thuộc vào thị trường" - bà Nguyễn Thị Hương - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Đốc Tín nói.
Theo kế hoạch, huyện Mỹ Đức phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 173,6ha. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quân cho biết thêm: Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu rau, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng việc nhân rộng mô hình còn gặp nhiều hạn chế do diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; khó khăn lớn nhất vẫn là khâu bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, đa phần bà con vẫn phải chủ động thu hái rau, quả bán tại điạ phương và các xã lân cận.