Vụ xuân 2013, huyện Thanh Oai phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội triển khai xây dựng 7 điểm mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại các xã Thanh Văn, Tam Hưng, Bình Minh, Tân Ước, Đỗ Động, Cao Dương và Mỹ Hưng với tổng diện tích 850ha, chiếm 13% diện tích cấy lúa toàn huyện. Hai giống lúa được đưa vào sản xuất là Bắc thơm số 7 và Nàng Xuân. Qua thu hoạch, năng suất lúa đạt bình quân 5,5 tấn/ha, giá trị sản xuất của mô hình đạt 42 tỷ đồng. Trên cơ sở thành công đó, vụ mùa 2013, huyện Thanh Oai tiếp tục triển khai mô hình sản xuất lúa hàng hóa tại 7 xã trên với diện tích 750ha.
Trồng cam Canh tại xã Kim An, huyện Thanh Oai cho thu nhập cao. |
Ông Lê Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa là một trong những biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân. Ngoài các vùng lúa chất lượng cao, huyện Thanh Oai cũng đã quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất khác như trồng cây ăn quả ở Kim An, Cao Viên, Thanh Mai; rau an toàn xã Xuân Dương, Bình Minh, Thanh Cao, Kim An... Để tạo "mở đường" cho phát triển sản xuất theo quy mô lớn, trong thời gian qua, công tác dồn điền đổi thửa được Huyện ủy, UBND huyện Thanh Oai rất quan tâm. Tính đến hết tháng 6/2013, toàn huyện đã dồn được hơn 4.900ha đất nông nghiệp. Huyện đặt ra mục tiêu đến hết năm 2013 tiếp tục hoàn thành dồn điền đổi thửa 2.500ha, phấn đấu mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng.
Nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác, hàng năm, Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai tích cực phối hợp với các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Năm 2012, ngân sách huyện đầu tư 7,6 tỷ đồng cho tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tới người nông dân và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, nguồn kinh phí chi cho hoạt động này đã đạt 4,2 tỷ đồng. Qua các lớp tập huấn, nhận thức và trình độ thâm canh của người nông dân được nâng lên rõ rệt, nhất là các phương thức sản xuất an toàn.
Bà Phùng Thị Hồng Hà - Bí thư Huyện ủy Thanh Oai cho biết, hàng năm, huyện dành 7 tỷ đồng ngân sách cho đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung hỗ trợ 50% giá giống lúa có năng suất, chất lượng cao; hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật và kinh phí tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra, huyện hỗ trợ 300.000 đồng/ha cho công tác chỉ đạo dồn điền đổi thửa, ngoài phần kinh phí 1 triệu đồng/ha do thành phố hỗ trợ. Từ vụ mùa 2013, huyện còn hỗ trợ các HTX nông nghiệp mua máy móc phục vụ cơ giới hóa ở cả bốn khâu là làm đất, cấy, phun thuốc trừ sâu và gặt đập liên hợp.
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Thanh Oai còn thường xuyên phối hợp với các trường dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013, huyện đã tổ chức được 18 lớp dạy nghề cho 630 lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ. Đồng thời đẩy mạnh việc truyền nghề tại các làng nghề, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động/năm. Với những giải pháp tích cực trên, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện ngày một được nâng lên. Năm 2012 toàn huyện có 1.733 hộ thoát nghèo. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Thanh Oai đạt 19,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 5 triệu đồng so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,8%.